Bí ẩn trên khuôn mặt của những bức tượng cổ Maya

NDO -

Nghiên cứu của các nhà khoa học mới đây đã cho thấy, trên những bức tượng cổ của người Maya, những khắc họa khuôn mặt có rất nhiều nét tương đồng và phổ biến với nhiều dân tộc khác trên thế giới, trong đó có cả người châu Âu.

Các bức tượng cổ Maya với những biểu hiện cảm xúc phong phú.
Các bức tượng cổ Maya với những biểu hiện cảm xúc phong phú.

Hai nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Berkley của California (Mỹ) là Alan Cowen và Dacher Keltnerset đã thực hiện một nghiên cứu để tìm kiếm những biểu cảm trên mặt người ở khắp thế giới có giống nhau hay không. Nghiên cứu này nhằm tìm ra liệu các biểu cảm trên khuôn mặt có thể được hiểu như một ngôn ngữ chung của nhiều nền văn hóa, hay chỉ là sự thể hiện của cá nhân, và được hiểu trong từng hoàn cảnh xã hội cụ thể. 

Hai nhà khoa học muốn xác định xem các biểu hiện của con người là phổ biến, được hình thành do cấu tạo gen của chúng ta hay chúng được tạo ra một cách có điều kiện do bối cảnh và các giá trị xã hội. 

Và các nhà khoa học đã chọn lựa một nền văn hóa hoàn toàn khác với văn hóa phương Tây. Họ chọn những thí dụ từ nền văn hóa Maya, một trong những nền văn hóa cổ vĩ đại nhất ở châu Mỹ, đã tỏa sáng từ nhiều thế kỷ trước và cho đến nay vẫn còn để lại những dấu ấn tại Mexico, Guatemala, và Honduras. Người Maya đã cố gắng tạo nên một nền văn minh độc đáo trong một môi trường khá khắc nghiệt trong khoảng thời gian từ năm 1.500 trước Công nguyên đến năm 1600 sau Công nguyên. Dấu tích để lại của nền văn minh đó cho đến nay là những kim tự tháp hùng vĩ với các bậc thang từ gốc lên tới đỉnh. 

Tất nhiên là không thể có được bức ảnh chụp nào của người Maya, nhưng người Maya lại là những nhà điêu khắc tài ba. Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu trên những bức tượng hoặc các tác phẩm điêu khắc của người Maya có thể hiện những biểu cảm trên khuôn mặt, với những cảm xúc dễ hiểu và khá cơ bản như đau đớn, giận dữ hoặc hạnh phúc. Các nhà khoa học giải thích trên tạp chí Science Advances rằng “Những bức chân dung nghệ thuật thể hiện tình cảm ở phương Tây có sự tương đồng với châu Mỹ cổ đại, nơi có sự tiếp xúc lâu đời giữa các nền văn minh phương Tây và Mỹ cổ đại”.

Các nhà khoa học đã lựa chọn 63 bức tượng cổ của người Maya có niên đại vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, sau khi tìm kiếm trong số hàng trăm bức tượng để chọn ra bức nào phù hợp cho việc nghiên cứu. Mặc dù các bức tượng đã bị dời khỏi bối cảnh cổ xưa của chúng một thời gian dài, nhưng vẫn có thể nhận ra các biểu cảm trên đó. Các nhà khoa học giải thích: “Đó là vì những bức tượng được chạm khắc rất tự nhiên, và vì nhiều bức cho thấy những hoạt động liên quan đến biểu cảm trong từng hoàn cảnh cụ thể như sinh con, chơi thể thao hoặc bị giam cầm”.

Các nhà khoa học chia những bức tượng thành 30 nhóm biểu cảm hoặc lớp cảm xúc, và tám bối cảnh, sau đó chụp ảnh các nhân vật tượng. Tiếp theo, họ chỉnh sửa các bức ảnh này, sao cho tách biểu cảm của mỗi bức tượng khỏi bối cảnh của nó, chẳng hạn tạo ra hình ảnh chỉ có một nụ cười và một hình ảnh người mẹ ôm đứa trẻ, không có biểu cảm. Họ đã phát triển hai mẫu hình ảnh, một mẫu có biểu cảm khuôn mặt và một mẫu không có.

Những bức ảnh này được đưa cho 325 người xem, những người này được yêu cầu phân loại các bức ảnh theo những biểu cảm trên mặt và dán nhãn. Trên những nhãn này, họ sẽ phải ghi lại những gì cảm nhận được chung quanh cảm xúc mà các bức ảnh truyền tải, sau đó xác định bối cảnh của cảm xúc này. Câu trả lời của họ được phân tích bằng công nghệ để xem có khớp với các bức tượng hay không. 

Nghiên cứu kết luận rằng “nét mặt được mô tả trong 63 tác phẩm điêu khắc từ châu Mỹ cổ đại có xu hướng phù hợp với phương Tây về cảm xúc bộc lộ trong các bối cảnh xã hội cụ thể”. Thực tế là những người nói tiếng Anh hiện đại sống trong một xã hội công nghệ tiên tiến có thể hiểu được cảm xúc được thể hiện trong nghệ thuật Maya cổ đại.