“Bóng di sản” và việc bảo tồn giá trị truyền thống

Nằm trong dự án nghệ thuật “Đánh thức di sản”, triển lãm “Bóng di sản” của nhóm họa sĩ 33A giới thiệu đến người xem 50 bức vẽ về làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Với mong muốn lưu giữ di sản vật thể và phi vật thể mọi miền đất nước thông qua ngôn ngữ hội họa, ngôi làng cổ kính trở thành đề tài sáng tác đầu tiên trong dự án dài hơi của 33A.

Các họa sĩ nhóm 33A tại lễ khai mạc triển lãm “Bóng di sản”.
Các họa sĩ nhóm 33A tại lễ khai mạc triển lãm “Bóng di sản”.

Với chất liệu sơn mài, sơn dầu quen thuộc, các họa sĩ đã mang đến một không gian hoài cổ với những bức họa về làng Cựu - ngôi làng hơn 500 năm tuổi ở ngoại thành Hà Nội. Làng Cựu hiện ra vừa cổ kính, bình dị, xưa cũ như bao ngôi làng quê Việt Nam nhưng độc đáo bởi những căn biệt thự pha trộn kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp điển hình. Từ hoa văn, họa tiết trên tường nhà, mái đình, đền miếu, cổng làng, đường làng, ngõ xóm thân thuộc, vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người dân làng Cựu, đến phong cảnh làng quê, kiến trúc mái ngói cong trộn lẫn mái vòm đặc trưng, được các họa sĩ trân trọng lưu giữ trong từng họa phẩm…

Để thực hiện triển lãm này, nhóm họa sĩ 33A bao gồm: Dương Tuấn, Chu Viết Cường, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Minh, Đạt Phú, Bùi Văn Tuất, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long, Minh Đông đã đi điền dã, ăn ở, sinh hoạt cùng người dân làng Cựu. Thông qua những chuyến đi thực tế, sống cùng người dân, các họa sĩ ghi chép lại tư liệu về kiến trúc và vật dụng sinh hoạt của một vùng nông thôn Hà Nội, mang vào từng bức tranh hơi thở đương đại của một tư duy mới mà không làm mất đi tinh thần, giá trị di sản đó, đồng thời gửi gắm thông điệp về gìn giữ và bảo tồn di sản.

Những bức vẽ được trưng bày tại triển lãm “Bóng di sản” đưa người xem trở về những giai đoạn lịch sử của làng Cựu trù phú, đậm đà bản sắc truyền thống, nổi tiếng với nghề may âu phục Tây Âu nổi tiếng Hà thành. Chính nghề may này đã mang lại cho họ sự phát đạt, dư dả về kinh tế để xây dựng những căn biệt thự pha trộn hai nền kiến trúc Đông - Tây với cột trụ vững chắc, hoa văn đắp trổ công phu, tinh tế bên cổng làng bề thế, uy nghi. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều căn biệt thự cổ ở làng Cựu bị đập đi do xuống cấp, thay vào đó là những căn nhà cao tầng hiện đại. Làng Cựu dần mất đi nét cổ kính, mất đi những ngôi nhà biệt thự pha trộn hai nền văn hóa. Đây cũng là nỗi lo chung của nhóm họa sĩ, khi một ngày nào đó, những cổng làng, những bờ tường rêu phong cổ kính… hoàn toàn biến mất khi chưa có phương án bảo tồn hiệu quả. Vì vậy, việc dùng hội họa để lưu giữ những dấu tích xưa cũ của ngôi làng như một giải pháp tinh thần, trước mắt, góp phần tác động và nâng cao ý thức của người xem về bảo tồn và gìn giữ các di sản do ông cha để lại.

Họa sĩ Nguyễn Minh cho biết: Thông qua triển lãm, chúng tôi muốn hướng đến cộng đồng rộng lớn. Không chỉ người dân làng Cựu sẽ hiểu và trân quý nơi họ đang sinh sống mà mỗi người xem tranh sẽ hiểu thông điệp từng họa sĩ thông qua tác phẩm của mình, từ đó cùng nhau lan tỏa để bảo vệ di sản tốt hơn.

Trong lời tựa viết cho triển lãm “Bóng di sản”, họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh: Ý nghĩa của dự án nghệ thuật Bóng di sản là thông qua hội họa để tôn vinh di sản, nhắc nhở ý thức bảo tồn, gìn giữ di sản trong cộng đồng. Có nhiều cách để bảo tồn di sản, trong đó bảo tồn di sản bằng chính cái đẹp là một cách bảo tồn đẹp, một cách bảo tồn độc đáo. Có thể thấy, triển lãm “Bóng di sản” không chỉ mang ý nghĩa về kiến trúc, mỹ thuật, mà các họa sĩ nhóm 33A đã lựa chọn cách thức bảo tồn truyền thống bằng phương thức hiện đại, phù hợp với thị hiếu công chúng trong đời sống hiện nay. Việc sử dụng làng Cựu làm nguyên liệu sáng tác nên các tác phẩm mới, vừa đánh thức tình yêu và nâng cao ý thức bảo tồn những di sản đang dần mai một, vừa góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa, để những chứng tích vật thể và phi vật thể của một giai đoạn, một thời kỳ, một vùng miền văn hóa mãi là dòng chảy bền vững trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.