Thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong hai ngày 29 và 30-8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia diễn ra diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019. Diễn đàn quy tụ hơn 3.000 đại biểu là các nhà đầu tư, tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và ngoài nước, đại diện một số học viện, trường đại học, viện nghiên cứu..., hơn 100 diễn giả quốc tế và trong nước thuộc nhiều lĩnh vực.

Những năm gần đây, TP Hà Nội rất quan tâm hoạt động sáng tạo khởi nghiệp. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Ðề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”, đặt mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Tháng 7-2019, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐND về việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2019-2025. Trong đó đã bổ sung các chính sách hỗ trợ truyền thông, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng; liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ...

Làn sóng khởi nghiệp đã có sự lan tỏa trên địa bàn Hà Nội, theo đó sáu tháng đầu năm, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 13.630 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 166.730 tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 267.293 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp, start-up “rơi rụng”, phải rời bỏ thị trường trong thời gian ngắn vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Sáu tháng đầu năm 2019, đã có 1.009 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 36% so với cùng kỳ 2018); 4.737 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 21% so với cùng kỳ 2018).

Việc các doanh nghiệp khởi nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động còn do khó tiếp cận vốn, cơ chế chính sách chưa kịp thời, đầy đủ. Hầu hết giá trị của các công ty start-up đều dựa vào ý tưởng kinh doanh, công thức sản xuất..., trong khi rất khó để định giá được loại tài sản vô hình này, còn các quy định về cấp tín dụng hiện tại rất chặt chẽ, yêu cầu tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay. Nhiều cơ chế chính sách hướng dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, như thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ vừa phức tạp, chi phí cao lại mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ tiến độ triển khai của các start-up…

Ðể phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô đi vào thực chất, nhất là đúng định hướng khởi nghiệp sáng tạo, thành phố cần rà soát, tổng hợp đề xuất việc sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp thực tế phát triển. Ðồng thời, triển khai nhiều hoạt động tọa đàm, trao đổi, kết nối… để cộng đồng khởi nghiệp có môi trường thuận lợi cho phát triển ý tưởng, hình thành sản phẩm và tiếp cận thị trường.

Ðối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết như chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, nhất là các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài để tận dụng hiệu quả nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như công nghệ hay thị trường. Quan trọng nhất là phải có ý tưởng, có công nghệ thật sự đổi mới sáng tạo, đem đến những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.