Quan tâm xây dựng văn hóa đô thị

Hà Nội đang đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân. Ðến thời điểm hiện tại, các huyện: Hoài Ðức, Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Ðan Phượng đang gấp rút triển khai tiến độ thực hiện các đề án đầu tư xây dựng để đủ tiêu chuẩn thành quận.

Nhiều công trình hạ tầng đã được triển khai, nhất là hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng… Huyện Gia Lâm đầu tư 41 tuyến đường trục chính, tổng chiều dài khoảng 88,8 km, nâng tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện lên 1.007,7 km, đạt mật độ 8,84 km đường giao thông đô thị/km2. Huyện Ðông Anh có tới 15 đề án thành phần. Riêng với hạ tầng, huyện đã vượt một số tiêu chí, chẳng hạn như tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị hiện đạt hơn 78% (tiêu chí là 60%).

Tuy nhiên, khi nhìn vào tiến trình "lên quận" của các địa phương, có thể thấy, yếu tố văn hóa, văn minh đô thị chưa được coi trọng đúng mức. Một thí dụ điển hình là huyện Ðông Anh, trong 15 đề án thành phần chỉ có hai đề án liên quan đến văn hóa, gồm: Ðề án xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa và đề án đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ.

Chủ thể của nông thôn là nông dân. Chủ thể của đô thị là thị dân. Hạ tầng nông thôn có thể được nâng cấp lên thành đô thị một cách nhanh chóng nếu được đầu tư. Còn từ nông dân trở thành thị dân không phải chuyện ngày một, ngày hai. Nhiều thói quen của người nông dân không tương thích với đô thị. Văn hóa làng xã có những nét đẹp riêng, nhưng có những tập tục sẽ không phù hợp trong tương lai. Ngoài ra, khi "lên quận", khu vực này sẽ có những không gian mới: Công viên, vườn hoa, nhà hát, rạp chiếu phim, đường phố, vỉa hè… Hà Nội hiện tại đang gặp không ít khó khăn trong xây dựng văn hóa đô thị bởi một số lượng không nhỏ cư dân có nguồn gốc từ nông dân và nổi bật trong đó là sự tùy tiện trong lối sống. Trong khi đó, ở khu vực đô thị, ứng xử bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật, với những điều khoản rõ ràng, hành vi nào bị phạt, hành vi nào không.

Tất nhiên, ngoài việc thực hiện những đề án nêu trên, huyện Ðông Anh đang triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đồng thời là Quy tắc ứng xử dành cho khu vực nông thôn. Ðiều đáng nói là cả hai đề án văn hóa đều không chú trọng đến sự chuyển đổi từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị. Hay nói cách khác, chưa quan tâm đến biện pháp để người dân làm quen và học cách sống trong đô thị. Tại các quận, huyện khác, tình trạng cũng đang diễn ra tương tự. Người dân đang tích cực xây dựng nông thôn mới, làng văn hóa, những quy tắc ứng xử cho khu vực nông thôn, chứ chưa quen với những mô hình văn hóa đô thị.

Rõ ràng, để thích nghi với văn hóa đô thị, các huyện sắp "lên quận" cần quan tâm hơn tới xây dựng văn hóa đô thị. Nếu chỉ có hạ tầng mà đối tượng sống trong đó chưa thích ứng, thì sẽ còn rất lâu mới hình thành nếp sống đô thị, có văn minh đô thị ở những nơi đã "lên quận".