“Mạnh tay” với vi phạm về an toàn thực phẩm

Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền đi cùng việc tăng cường kiểm tra, xử lý, tuy nhiên những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại Hà Nội vẫn diễn ra rất phức tạp ngay trong tháng cao điểm về lĩnh vực này. Chiều 8-5, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ số 119 Phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thuộc Công ty TNHH Kinh doanh Thực phẩm Tiến Phát, lực lượng chức năng phát hiện tại đây có hơn sáu tấn thực phẩm trong kho đông lạnh và toàn bộ là hàng nhập khẩu mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngày 13-5, hơn 30 công nhân của một công ty tại huyện Mê Linh có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn ở bếp ăn tập thể và phải vào Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh khám. Trong đó, có chín bệnh nhân bị đau bụng, sốt từ 37,5 - 39,50 C, phải nhập viện theo dõi, điều trị, 23 bệnh nhân được kê đơn về nhà điều trị.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm tháng đầu năm nay, các đoàn thanh, kiểm tra về ATVSTP của thành phố đã kiểm tra 37.280 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (đạt 85,5%), qua đó, xử phạt 687 cơ sở vi phạm với số tiền hơn một tỷ đồng. Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATVSTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để đạt yêu cầu về ATVSTP còn thấp. Đồng thời, còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…

Bên cạnh nguyên nhân từ phía những người kinh doanh, cũng còn lý do quan trọng khác là việc xử lý vi phạm có lúc, có nơi còn chưa thật sự quyết liệt. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức kiểm tra 114 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua giám sát, phát hiện tới 34 trường hợp có vi phạm, chiếm gần 1/3 tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Mặc dù số lượng cơ sở có vi phạm rất lớn, tuy nhiên công tác xử lý của các cơ quan chức năng dường như còn khá nương nhẹ. Cụ thể, trong tổng số 34 cơ sở có vi phạm, lực lượng chức năng chỉ ban hành quyết định xử phạt đối với bốn đơn vị, với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Các trường hợp còn lại chỉ bị cảnh cáo hoặc nhắc nhở. Trong đó, có các lỗi vi phạm được đánh giá là nghiêm trọng như: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm điều kiện trong sản xuất, kinh doanh; hàng hóa, nông sản không đủ thông tin truy xuất trên nhãn mác... Rõ ràng việc “giơ cao đánh khẽ” này khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh nhờn luật và tái diễn vi phạm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, để chủ động công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm; chú trọng các mặt hàng thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể... Bên cạnh đó, cũng đề nghị các cơ quan chức năng khi phát hiện vi phạm, cần có những hình thức xử lý quyết liệt, “mạnh tay” hơn để răn đe, ngăn ngừa tái diễn mất ATVSTP trên địa bàn thành phố.