Cây đổ giữa sân trường

Tại TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk, trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra hiện tượng hai cây phượng bị bật gốc, trong đó cây phượng trong sân một trường THCS tại quận 3, TP Hồ Chí Minh bị bật gốc, làm một học sinh bị chết, khiến nhiều người lo lắng về vấn đề cây xanh trong trường học.

Trước mối nguy hiểm này, nhất là thời điểm hiện nay, khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão, ngày 29-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Công ty công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả cây xanh ở các trường học, không để xảy ra nguy hiểm cho học sinh, giáo viên. Trước đó, ngày 27-5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị các trường học chủ động phối hợp các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường. Trên thực tế, dù các trường học thường xuyên rà soát hệ thống cây xanh, nhằm phát hiện cây có biểu hiện nguy hiểm để cắt tỉa, thay thế, song về tổng thể, chưa có thống kê cụ thể về hệ thống cây xanh trong hơn 2.700 trường học các cấp.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, chưa có thống kê về số lượng cây xanh trong các trường học. Nguyên do các trường học là đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh trồng trong khuôn viên. Còn trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm quản lý theo phân cấp đối với cây xanh trên phố chưa đặt tên và trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học. Về phía cơ quan quản lý, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy trình trồng cây mới, duy trì cây xanh đô thị, trong đó quy định rõ tần suất thực hiện cắt tỉa cây, độ cao tối đa của cây xanh đô thị; thực hiện hạ độ cao theo quy định hai năm một lần; cắt tỉa cây nặng tán mỗi năm hai lần... Trường hợp cây có biểu hiện nguy hiểm như nghiêng, nặng tán… sẽ được xử lý ngay.

Rõ ràng, các trường quản lý cây xanh trong khuôn viên giúp cho việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp có nguy cơ mất an toàn. Song, nếu không có sự quản lý tổng thể về cây xanh, sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về chất lượng chăm sóc, cũng như bảo đảm an toàn, nhất là với trường học có đông học sinh. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố do thời tiết như dông, bão, hầu hết các cây xanh bị gãy, đổ bất ngờ đều có hiện tượng sâu, mục thân, hỏng rễ… mà mắt thường khó nhận biết. Vì vậy, rất cần có quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên ngành.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh, sau vụ việc cây gãy, đổ gây chết người ở TP Hồ Chí Minh, các trường học cần phải có phương án thực hiện cắt sửa cây xanh thường xuyên. Nên phối hợp với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh trong trường; thực hiện kiểm tra, rà soát, cắt tỉa cây nặng tán, hạ độ cao; chặt hạ cây nghiêng, sâu mục…

Các chuyên gia cũng cho rằng, sau những sự việc đau lòng trên, các trường cần nâng cao cảnh giác, nhưng không nên có phản ứng thái quá bằng việc chặt hay thay thế hàng loạt cây xanh cùng một lúc. Nên căn cứ vào các điều kiện chuyên môn, cây nào có dấu hiệu hư hỏng, mất an toàn, thì mới chặt hay thay thế. Bởi cây xanh không chỉ là “lá phổi”, mà còn là một phần làm nên truyền thống, lịch sử, nét đặc trưng của mỗi ngôi trường.