Nhận thức lại về... “chuyện lạ”

Chiếc áo dài truyền thống vốn dành cho cả nam lẫn nữ. Nhưng hiện tại có sự nhầm lẫn, đến nỗi, nhiều từ điển quốc tế định danh áo dài Việt Nam là trang phục của nữ giới. Phục hưng áo dài nam là phục hưng một nét văn hóa y phục truyền thống của dân tộc. Song, thế nào là “vừa đủ”?

Thành phố Huế đang thử nghiệm để các cán bộ nam của ngành văn hóa mặc áo dài đi làm vào ngày thứ hai hằng tuần.
Thành phố Huế đang thử nghiệm để các cán bộ nam của ngành văn hóa mặc áo dài đi làm vào ngày thứ hai hằng tuần.

Mặc... nhầm áo

Những lễ hội áo dài để tôn vinh áo dài là một “di sản văn hóa Việt” ngày một nhiều hơn. Ðiển hình trong đó là Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu. Nhưng ngay khi những người mẫu nam xuất hiện trong trang phục áo dài trên sân khấu, nhiều nhà nghiên cứu, nhà thiết kế đã thấy phiền lòng. Không hiểu tại sao một Lễ hội lớn như thế, nhưng các nhà thiết kế lại để cho người mẫu... mặc nhầm áo kiểu... Ấn Ðộ. Nếu nhìn sơ qua, thì áo dài Việt Nam và Ấn Ðộ có những nét tương đồng nhất định. Nhưng một trong những yếu tố tiên quyết để phân biệt là áo dài truyền thống Việt Nam may tay liền vai; còn áo dài Ấn Ðộ may tay áo rời, ráp lại với thân ở vai.

Trước năm 1945, trong xã hội Việt Nam, áo dài là trang phục phổ biến của cả nam lẫn nữ, không chỉ dịp lễ, Tết, mà cả trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, do những biến động của lịch sử, xã hội, việc nam giới mặc áo dài dần trở thành… chuyện lạ. Và “mặc nhầm” cũng chính bởi sự lãng quên này, do nhiều người, ngay cả người làm văn hóa, nghệ sĩ, trí thức... cũng hiểu chưa đúng về chiếc áo dài truyền thống. Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Quốc Hải cho biết: “Ðầu những năm 90 của thế kỷ trước, lần đầu tiên Bộ Văn hóa tổ chức một hội thảo về quốc phục. Khi đó, một lãnh đạo Bộ Văn hóa đã hỏi: Quốc phục Việt Nam là thế nào. Không một ai trả lời được. Tôi rất buồn vì chuyện này và từ đó đau đáu câu chuyện quốc phục. Chúng ta đừng nghĩ đấy là chiếc áo đơn thuần. Ðấy là văn hóa y phục. Văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thách thức về bảo tồn. Nếu không có nhận thức đúng thì sẽ còn mai một”. Thực tế, không chỉ có chuyện “mặc nhầm” trong Lễ hội Áo dài vừa qua. Một số nhà ngoại giao, đại sứ khi xuất hiện trong các sự kiện ngoại giao đã mặc áo dài. Tưởng chừng đó là hành động tôn vinh văn hóa truyền thống, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, cũng có trường hợp mặc chưa đúng, chưa đẹp. Xuất phát từ chính sự “đứt gãy” văn hóa.

Ðúng và đủ

Gần đây, tại Huế, chính quyền thành phố khuyến khích công chức nam ngành văn hóa mặc áo dài trong ngày đầu tuần. Ðặc biệt, một nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh gây “bão” dư luận khi đề nghị nam sinh nên mặc áo dài truyền thống trong lễ chào cờ đầu tuần. Bên cạnh đó, một số nhóm, câu lạc bộ lại tìm cách “kéo lùi” trở lại kiểu áo dài truyền thống, về với thời kỳ “tiền cách tân” vào những năm 30 của thế kỷ trước, gồm cả áo dài nam lẫn nữ. Quan điểm này cũng gây những dư luận khác nhau, khi áo dài “cổ điển” giúp che đi một số khuyết điểm cơ thể, nhưng lại hầu như không thể giúp tôn vinh những đường nét đẹp của phụ nữ như áo dài hiện đại.

Việc gìn giữ, phát huy giá trị, sử dụng chiếc áo dài là cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là ứng dụng ra sao. Thạc sĩ Nguyễn Kim Hương, giảng viên thiết kế thời trang (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Cách tân áo dài là một xu hướng để phù hợp với cuộc sống hôm nay; cách tân để có thể mặc trong cả lúc đi làm, đi chơi chứ không chỉ trong sự kiện; cách tân phải bảo đảm được yếu tố cổ truyền, tôn trọng bản sắc cá nhân, tiện lợi. Nhưng làm thế nào để cách tân mà giữ được truyền thống? Tôi cho rằng chúng ta cần truyền thông để mọi người nhận thức rõ điều này. Do đó, nên bắt đầu từ những nhân vật có tiếng nói trong xã hội”.

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (chủ thương hiệu thời trang Asoẻn Bridal): “Muốn cách tân thì đầu tiên bảo đảm được tiêu chí trang phục, phải hiểu được cốt cách, nguyên lý áo dài ta. Ấn Ðộ, Trung Quốc đều có áo dài. Nét đặc biệt của chúng ta ở đâu? Khi làm việc với các nhà nghiên cứu thì tôi nhận ra, “tiêu chí” chung của áo dài nam, thời điểm trước năm 1930 là: Năm thân, tay chẽn, cổ đứng, cài khuy, vai liền. Thiết kế biến đổi vẫn giữ những nét đó thì sẽ không lo lạc đường. Với điều kiện xã hội hiện nay, mùa hè rất nóng, trang phục phải hợp khí hậu. Cách tân phải chú ý đến yếu tố thuận lợi, thoải mái, trang phục có thể giặt máy, chiếc khăn xếp phải gọn gàng, dễ sử dụng. Tôi cho rằng cần có sự vào cuộc hơn nữa của các nhà thiết kế, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu”.

Bên cạnh vấn đề “mặc đúng”, nhiều nhà nghiên cứu đề cập nên mặc thế nào là “vừa đủ”. Áo dài tôn vinh truyền thống, nhưng cũng không tiện lợi trong sinh hoạt và tốn kém, nhất là áo dài năm thân. Việc phổ cập đại trà rất khó. Trước mắt, nên khuyến khích nam giới mặc áo dài truyền thống trong các dịp kỷ niệm, lễ, Tết. Không cực đoan trong bảo tồn, cực đoan trong phổ cập, cũng không biến tấu quá đà sẽ giúp áo dài nam dần có chỗ đứng, để góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt.