Xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị khu vực kinh tế ngoài nhà nước (Kỳ 2)

Bài 2: Nhiều vướng mắc, khó khăn

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hoạt động của nhiều tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước (KTNNN) thời gian qua gặp khó khăn, dẫn đến công tác phát triển Ðảng chưa đạt yêu cầu. Nhiều tổ chức, đảng viên chưa phát huy được năng lực lãnh đạo.

Chi bộ Công ty CP Gạch men Tasa thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Trong ảnh: Công nhân công ty trong ca sản xuất. Ảnh: THANH TRÀ
Chi bộ Công ty CP Gạch men Tasa thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định. Trong ảnh: Công nhân công ty trong ca sản xuất. Ảnh: THANH TRÀ

Tỷ lệ thấp, chất lượng hoạt động chưa cao

Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh hiện có gần 10.400 đơn vị KTNNN, trong đó, doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên là 19 đơn vị (gần 113.890 lao động), doanh nghiệp có từ 300 đến dưới 500 lao động là 14 đơn vị và doanh nghiệp có từ 100 đến dưới 300 lao động là 26 đơn vị. Ðến nay, trên địa bàn quận có 79 tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp KTNNN, trong đó, 17 trong số 21 doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên có tổ chức đảng. Theo đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, kết quả thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Thực tế, số lượng tổ chức đảng, đảng viên, đoàn thanh niên trong các đơn vị KTNNN còn thấp.

Ngay cả những địa phương thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu đề ra thì vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ phát triển của các đơn vị KTNNN. Tại Hà Nội, năm 2018, thành lập mới 152 tổ chức đảng trong khu vực KTNNN (đạt 116% chỉ tiêu) nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 25 nghìn. Hiện nay, cả nước có hơn sáu triệu doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), đơn vị sự nghiệp ngoài công lập…, trong đó, có nhiều loại hình đơn vị phát triển với tốc độ lớn. Tính đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp tư nhân tăng gấp 3,14 lần; doanh nghiệp có vốn nhà nước tăng gấp 2,53 lần; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng gấp 2,47 lần; HTX và liên minh HTX tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010… Nếu so sánh kết quả phát triển tổ chức đảng, đảng viên với tốc độ phát triển số lượng đơn vị trong khu vực KTNNN cho thấy, tỷ lệ các tổ chức đảng trong các đơn vị KTNNN còn rất thấp so với số lượng các đơn vị KTNNN hiện có (12.808 tổ chức đảng, chiếm gần 1,5%).

Không chỉ tỷ lệ tổ chức đảng còn thấp mà việc phát triển tổ chức đảng, đảng viên được chú trọng không đồng đều. Hiện tại, thống kê trong cả nước cho thấy, hầu hết tổ chức đảng, đảng viên đang tập trung tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với 68,6% số doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước có tổ chức đảng. Trong khi đó, thì tỷ lệ tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân mới đạt 0,86%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,94%; HTX và liên minh HTX đạt 6,02%; đơn vị sự nghiệp công lập đạt 2,49%... Phần lớn tổ chức đảng là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Công tác phát triển đảng viên đã được quan tâm nhưng kết quả còn rất thấp, tỷ lệ đảng viên chỉ chiếm 0,78% tổng số lao động. Trung bình một tổ chức đảng mới có 14 đảng viên.

Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị KTNNN còn nhiều hạn chế. Một số tổ chức đảng khó khăn về kinh phí cho nên hoạt động phụ thuộc vào doanh nghiệp. Sự đóng góp của tổ chức đảng với sự phát triển của đơn vị kinh tế tư nhân còn hạn chế. Vị trí, vai trò của không ít tổ chức đảng còn mờ nhạt, chất lượng hoạt động thấp. Có tổ chức đảng, cấp ủy gần như không tham gia được vào những vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Do đó, nội dung sinh hoạt chỉ "gói gọn" vào những vấn đề nội bộ Ðảng. Ðáng chú ý, ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mối quan hệ giữa tổ chức đảng và ban giám đốc doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Một số tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa được chú trọng thành lập, phát triển tại khu vực này, cũng dẫn đến những hạn chế đối với công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Công đoàn Việt Nam đặt mục tiêu mỗi công đoàn cơ sở hằng năm giới thiệu để kết nạp một đoàn viên công đoàn ưu tú vào Ðảng, thế nhưng, tại các đơn vị KTNNN đều chưa hoàn thành mục tiêu này. Tỷ lệ đảng viên ở độ tuổi thanh niên thấp (chỉ chiếm 17,02% tổng số đảng viên khu vực KTNNN) đã phần nào làm giảm năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Lực lượng mỏng, chất lượng hoạt động chưa đồng đều khiến tổ chức đảng trong các đơn vị KTNNN chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguyên nhân của vướng mắc

Trước hết phải nhận thấy, dù đã và đang tăng với tốc độ đột phá nhưng các đơn vị KTNNN phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo thống kê, số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), chiếm 70,53%; doanh nghiệp nhỏ (từ 10 đến 50 lao động) chiếm 22,81%. Những doanh nghiệp này không những ít lao động mà sản xuất, kinh doanh còn thiếu ổn định, lao động biến động thường xuyên, thu nhập thấp. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng các tổ chức đảng khu vực KTNNN phát triển với số lượng còn thấp và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 50% vốn điều lệ trở xuống.

Ngoài ra, theo Tỉnh ủy Ðồng Nai, một trong những nguyên nhân là do nhiều chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Bởi, họ lo ngại khi thành lập tổ chức chính trị - xã hội sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì thế tìm cách "né" hoặc tìm cách hạn chế hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể. Tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Anh Khiết, Phó Bí thư Ðảng ủy doanh nghiệp quận Tân Bình cho biết, nhiều đơn vị có số đảng viên đủ điều kiện để thành lập chi bộ, nhưng khi đi xuống vận động thì chủ doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do để từ chối. Ðiển hình như Công ty TNHH Bích Trâm, phường 13. Ðây là công ty chuyên đào tạo lái xe, trong quá trình khảo sát, Quận ủy Tân Bình biết được có sáu đảng viên đang làm việc tại công ty. Tuy nhiên, khi quận đi vận động để thành lập chi bộ thì chủ doanh nghiệp lại từ chối. Vì không muốn thành lập tổ chức đảng cho nên chủ doanh nghiệp cho biết những đảng viên này đã đi làm nơi khác, do vậy, số đảng viên còn lại không đủ để thành lập chi bộ. Ngay cả một số chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước là đảng viên cũng không "mặn mà" với việc thành lập tổ chức đảng trong đơn vị mình. Ðồng chí Trần Anh Khiết cho biết, một giám đốc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận là đảng viên nhưng anh lại không muốn thành lập chi bộ tại đơn vị. Anh cho rằng, bản thân anh là đảng viên, đủ sức quản lý công ty theo đúng đường lối của Ðảng, chính sách của Nhà nước, nếu thành lập chi bộ thì sẽ mất thêm thời gian cho sinh hoạt chi bộ, học nghị quyết... Ðiều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Bí thư Ðảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng Nguyễn Công Thành cho biết, việc phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong khu công nghiệp, khu kinh tế còn nhiều hạn chế. Ngoài việc chủ doanh nghiệp nước ngoài không muốn có tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp thì người lao động làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu là lao động ngoại tỉnh, thuê nhà trọ, thường thay đổi việc làm và nơi làm việc. Ðối với các đảng viên làm việc trong các doanh nghiệp này cũng có tâm lý lo ngại ảnh hưởng đến công việc và quyền lợi, vì thế vẫn giữ việc sinh hoạt đảng tại nơi cư trú, không chuyển sinh hoạt về Ðảng bộ Ban Kinh tế để làm nòng cốt phát triển đảng viên mới, cũng như tổ chức đảng mới tại doanh nghiệp. Ngoài ra, hoạt động của tổ chức đảng tại các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế, do tổ chức nhỏ, không nắm các chức vụ quan trọng, dẫn đến uy tín, sức thuyết phục với chủ doanh nghiệp chưa cao, thời gian sinh hoạt phải tổ chức ngoài giờ, ngày nghỉ… Cá biệt, ở một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn không muốn có tổ chức công đoàn, luôn tìm cách trì hoãn, né tránh thành lập công đoàn, sợ bị ràng buộc, cản trở hoạt động điều hành của người sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Và như vậy, họ càng không muốn có tổ chức đảng hiện diện tại đơn vị mình...

Theo đồng chí Huỳnh Hiệp Sĩ, Phó Bí thư Ðảng ủy khối doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, công tác phát triển đảng tại các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc Ðảng ủy khối doanh nghiệp chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch do công tác thẩm tra, xác minh lý lịch, công tác thẩm định hồ sơ đề nghị kết nạp còn mất nhiều thời gian. Công tác kết nạp đảng chậm cũng gây khó khăn trong lãnh đạo công tác tư tưởng quần chúng. Nhiều đảng viên có suy nghĩ lệch lạc khi cho rằng sau khi cổ phần hóa, việc vào đảng không có "lợi ích" gì cho nên chỉ tập trung vào chuyên môn, không chú tâm đến sinh hoạt chính trị, thậm chí có đồng chí xin ra khỏi Ðảng.

Bên cạnh khó khăn khách quan, nhiều lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy đều thống nhất đánh giá nguyên nhân chủ quan thuộc về cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ làm công tác đảng trong các đơn vị KTNNN. Ðồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các đơn vị KTNNN; chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, phương pháp thực hiện chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới. Vì vậy nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời. Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng đảng trong các đơn vị KTNNN còn hạn chế, một số cán bộ ngại khó, thiếu kiên trì. Một số bí thư, phó bí thư chi bộ do tập trung nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ít dành thời gian đầu tư cho công tác đảng, một số đồng chí trong cấp ủy (nhất là những chi bộ mới thành lập, ít đảng viên) chưa có kinh nghiệm trong công tác đảng, chưa nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện nội dung sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng.

Thủy Nguyên là huyện lớn nhất của TP Hải Phòng và có khá nhiều doanh nghiệp, trường học ngoài công lập. Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên Nguyễn Văn Cao cho biết thêm, những quy định còn nặng về hình thức như trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đảng, kết nạp đảng viên, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Ðảng… cũng gây khó khăn cho công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên. Ngoài ra, một số cơ chế, nhất là chính sách hỗ trợ tài chính để phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị KTNNN thiếu đồng bộ, chưa phù hợp, chậm đổi mới, thí dụ như chính sách với cấp ủy viên, bí thư cấp ủy… cũng là những nguyên nhân chưa tạo được động lực thúc đẩy sự phát triển tổ chức đảng, đảng viên.

(Còn nữa)

Bài 1: Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết

-------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11-6-2019.