Xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngay từ cơ sở

Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của cả nước và vùng trọng điểm kinh tế miền trung, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Xác định được điều này, trong những năm gần đây, tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân (ANND), từ đó tạo những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Bộ đội Biên phòng thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe người dân xã La Êê, huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Bộ đội Biên phòng thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe người dân xã La Êê, huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA-V28 (ngày 21-4-2014) của Bộ trưởng Công an về “Tăng cường xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, 5 năm qua, Quảng Nam đã có nhiều việc làm mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của ngành công an về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trong tình hình mới.

Tại TP Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ đã có nhiều việc làm thiết thực trong công tác bảo vệ ANQG. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Hai giữ về ANTT”; các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” được xây dựng, duy trì và từng bước đi vào chiều sâu. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 88 mô hình được xây dựng và đang duy trì hoạt động, trong đó, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “Tiếng kẻng, cổng an ninh”, “Liên hộ tự quản về ANTT” ở phường Tân Thạnh; “Tiếng loa an ninh” ở các phường: Tân Thạnh, Hòa Thuận, An Phú… Ngoài ra còn có mô hình “Ký túc xá an toàn, không có tội phạm, tệ nạn xã hội” của Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam. Tại huyện Tiên Phước, công tác bảo vệ ANTQ được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó, người dân cung cấp nhiều thông tin giá trị, giúp công an phá hàng chục vụ án với hàng trăm đối tượng; đồng thời hỗ trợ lực lượng công an bắt ba đối tượng bị truy nã và vận động 14 đối tượng nghiện ma túy tham gia điều trị cai nghiện. Người dân trong huyện tích cực tham gia các mô hình: “Tiếng loa an ninh”, “Nông dân với ANTT”, “Câu lạc bộ giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật”, “Tổ tự quản về ANTT”… Người dân trong huyện đã đóng góp, hỗ trợ gắn hơn 30 ca-mê-ra giám sát an ninh, góp phần giám sát và phát hiện kịp thời các đối tượng trộm cắp, gây rối trật tự công cộng.

Tại huyện miền núi Đông Giang, nơi có hơn 70% số dân là người dân tộc Cơ Tu sinh sống lại có cách xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ thiết thực. Cấp ủy và chính quyền nơi đây luôn tranh thủ tiếp xúc, lắng nghe người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, toàn huyện có đến 100 người có uy tín, hầu hết là những cán bộ đã nghỉ hưu, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn… là người dân tộc Cơ Tu đã có nhiều thành tích trong sản xuất và gương mẫu trong cuộc sống được cộng đồng tin yêu. Thời gian qua, người có uy tín ở huyện Đông Giang cùng với chính quyền địa phương giải quyết thành công nhiều vụ việc liên quan an ninh nông thôn. Tiêu biểu là vụ 21 hộ dân ở Khu tái định cư Cutchrun, xã Mà Cooih phá rừng già làm rẫy; rồi vụ 17 hộ dân thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn do mê tín, dị đoan tin vào cái “chết xấu” đã đập phá nhà cửa, di chuyển đến nơi ở mới, gây tình hình phức tạp trên địa bàn.

Phát huy mô hình người có uy tín, huyện Đông Giang còn xây dựng nhiều mô hình về bảo vệ ANTQ. Trong đó, mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT” bước đầu đem lại kết quả rõ rệt. Ông BRíu Thiên (thôn Bhờ Hôồng I, xã Sông Kôn) cho biết, khi chưa thành lập mô hình “Dòng tộc tự quản về ANTT”, tại địa phương nổi lên một số vấn đề phức tạp như: Nạn phá rừng già làm nương rẫy, sử dụng súng tự chế, trộm cắp, gây mất ANTT… ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Thực hiện mô hình này, người dân không chỉ ý thức trong việc bảo vệ tốt tài sản của mình, của cộng đồng, mà còn tích cực phối hợp, giúp đỡ lực lượng chức năng xử lý tốt các trường hợp vi phạm pháp luật. Riêng Hội đồng gia tộc tộc Bríu đã tham gia tuyên truyền, vận động các hộ dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn trở về làng sau vụ việc bỏ làng đi vì sợ cái “chết xấu”; đồng thời vận động người dân tham gia bảo đảm tình hình ANTT tại địa phương.

Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 5 năm qua, từ công tác tuyên truyền thường xuyên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng đã kịp thời phát hiện, giải quyết những yêu cầu chính đáng của người dân, lực lượng công an, các đơn vị, đoàn thể trong tỉnh đã xây dựng được 74 loại mô hình với 2.150 mô hình góp phần bảo vệ ANQG. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND ở Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục. Thế trận ANND chưa được phát huy đồng bộ, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác này. Việc kết hợp giữa an ninh quốc phòng với kinh tế và các lĩnh vực khác có lúc, có nơi chưa được thực hiện tốt.

Nhìn lại những kết quả vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Do vậy, để bảo đảm tình hình ANQG, lực lượng công an cần chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Lực lượng công an cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia ANTT; chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt. Cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an tỉnh với quân sự, bộ đội biên phòng tỉnh và cấp ủy ở các địa phương trong xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực, tham nhũng; cần tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở các vụ khiếu kiện tranh chấp có liên quan trực tiếp lợi ích chính đáng của người dân, không để phát sinh thành điểm nóng về ANTT.

Người dân đã cung cấp 11.461 nguồn tin giúp cho lực lượng công an giải quyết kịp thời, dứt điểm các sự vụ xảy ra tại cơ sở; đồng thời tham gia cảm hóa, giúp đỡ hơn 7.210 đối tượng chưa tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, trong 5 năm qua, nhân dân đã ý thức, tự giác giao nộp và giúp đỡ lực lượng công an thu hồi 129 khẩu súng quân dụng, 2.339 súng tự chế, 54.692 viên đạn, 4.521 kíp nổ, 429 kg thuốc nổ, 62 quả đạn cùng nhiều vũ khí thô sơ khác.