Đại hội lần thứ III của Đảng

Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa đấu tranh thống nhất nước nhà

Đại hội lần thứ III của Đảng diễn ra từ ngày 5 đến 10-9-1960 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng khai mạc Đại hội. Đại hội đã nghe Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn đọc; Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ đọc; Báo cáo phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch năm năm lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Duy Trinh đọc và nhiều tham luận khác.

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát lịch sử 30 năm đấu tranh và trưởng thành của Đảng, rút ra các bài học quý, đó là thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và của dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa,… Khẳng định Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng, phát huy hơn nữa tác dụng lãnh đạo của Đảng ta trên mọi mặt công tác. Nâng cao hơn nữa tính giai cấp, tính tiên phong của Đảng, không ngừng tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, đoàn kết mọi người yêu nước và tiến bộ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. 

Đại hội xác định, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay là tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và thế giới. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có nhiệm vụ quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta. Đó là một quá trình cải biến cách mạng về mọi mặt nhằm đưa miền Bắc từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, từ chế độ sản xuất nhỏ tiến lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ tình trạng kinh tế phân tán và lạc hậu, xây dựng thành một nền kinh tế cân đối và hiện đại. Quá trình cải biến cách mạng ở miền Bắc là quá trình kết hợp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội,... 

Đại hội cũng khẳng định, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phải biến miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất nước nhà,… 

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và hai ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu tiếp tục làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội nhất trí thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới; Điều lệ (sửa đổi) của Đảng,…

(Biên soạn từ: Văn kiện Đảng toàn tập; Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam).