Vĩnh Phúc phát huy vai trò tổ chức đảng trong doanh nghiệp

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số 10.500 doanh nghiệp, nhiều năm qua các cấp ủy toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và tăng cường vai trò tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 121 doanh nghiệp có tổ chức đảng với 4.002 đảng viên; 324 tổ chức công đoàn cơ sở với gần 10 nghìn đoàn viên; 82 tổ chức đoàn thanh niên; 11 hội liên hiệp thanh niên; 26 tổ chức hội cựu chiến binh.

Chương trình Trải nghiệm giải pháp canh tác với phân bón ứng dụng công nghệ cao tại 142 hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Cà Mau. Ảnh PVCFC
Chương trình Trải nghiệm giải pháp canh tác với phân bón ứng dụng công nghệ cao tại 142 hợp tác xã vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Cà Mau. Ảnh PVCFC

Tổ chức đảng, đoàn thể được thành lập mới tại các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước phát huy được vai trò, vị trí, đóng góp nhất định vào sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp; góp phần điều tiết hài hòa giữa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động; tạo lập mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với lãnh đạo công ty và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp đã khơi dậy phong trào thi đua sản xuất. Nhiều công đoàn cơ sở sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó, kịp thời đề nghị doanh nghiệp giải quyết những ý kiến, kiến nghị của công nhân viên chức và người lao động.

Thời gian qua, tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp như: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn sản xuất; thành lập tổ chức cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển giao quản lý tổ chức cơ sở Ðảng phù hợp với tình hình thực tế để tạo thuận lợi trong hoạt động…

* Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố. Trong đó, đối với cấp Trung ương tập trung nghiên cứu cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp...

Tỉnh đã tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có hơn 70% số đề tài, dự án đã nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn và đời sống có hiệu quả. Hiện nay, đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu; đang tiếp tục xây dựng năm hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Từ các giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 6,36%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 530 nghìn tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 1,57 triệu tấn; diện tích rừng tập trung đạt 95.100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 25,3%...

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, thích ứng kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng một số chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc thù của tỉnh.