Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020)

Tri ân người có công với cách mạng

Một trong những nội dung trọng tâm của Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19-7-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công (NCC) với cách mạng là phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng NCC với cách mạng tồn đọng ở cấp cơ sở.

Cán bộ Cục Người có công tham gia kiểm tra, rà soát hồ sơ tồn đọng tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: SÍN NGUYỄN
Cán bộ Cục Người có công tham gia kiểm tra, rà soát hồ sơ tồn đọng tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: SÍN NGUYỄN

Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng

Năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Kết quả cho thấy, còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là NCC chưa được hưởng chính sách. Trong đó: Xác nhận liệt sĩ là 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng 1.496 trường hợp; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 7.871 trường hợp; bệnh binh 855 trường hợp và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp. Tuy nhiên, các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên, chủ yếu do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (như: bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh...

Để xem xét, giải quyết dứt điểm những trường hợp thật sự là NCC mà chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi, từ năm 2016, Bộ LĐ-TB và XH yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng rà soát, báo cáo số liệu hồ sơ NCC tồn đọng. Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, cả nước còn hơn 5.900 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng (gồm: 1.900 liệt sĩ, 4.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ LĐ-TB và XH đã chỉ đạo giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng tại Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng, sau đó bổ sung bốn địa phương là Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang, để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai diện rộng...

Trên cơ sở kết quả giải quyết thí điểm hồ sơ tồn đọng, ngày 20-3-2017, Bộ trưởng LĐ-TB và XH ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB và XH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên. 

Cục trưởng NCC (Bộ LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, ngành LĐ-TB và XH đã phối hợp các bộ, ngành và MTTQ Việt Nam, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương, đặc biệt là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo các cấp ở địa phương qua các thời kỳ đã tập trung xem xét, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng tại các địa phương. Đến hết năm 2017, đã xem xét, rà soát 5.900 hồ sơ và giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có một số khó khăn, vướng mắc.

Từ thực tế đó, năm 2018, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục triển khai Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết đến các cấp, ngành, huyện, xã và trong nhân dân. Báo cáo của 49 tỉnh, thành phố cho thấy, đến ngày 31-12-2019, vẫn có 822 hồ sơ tồn đọng (376 liệt sĩ, 446 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Kết quả trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, đã rà soát được 6.722 hồ sơ tồn đọng (gồm: 2.276 liệt sĩ, 4.446 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh). Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương công nhận hơn 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ cần bổ sung hoàn thiện, Bộ có văn bản yêu cầu tiếp tục bổ sung; những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý đối với đối tượng, các trường hợp được xem xét công nhận và không đủ điều kiện đều không có đơn thư khiếu nại. 

Tôn vinh người có công

Năm 2020, báo cáo về tình trạng hồ sơ tồn đọng của 36 địa phương, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cho thấy, có 22 địa phương giải quyết và không còn hồ sơ tồn đọng (trong đó: 11 địa phương không có hồ sơ tồn đọng, 11 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng); 14 địa phương và hai Bộ còn hồ sơ tồn đọng (275 hồ sơ) nhưng chủ yếu là hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với lực lượng thanh niên xung phong (TNXP)…

Có thể thấy, việc xử lý hồ sơ tồn đọng, nhất là những hồ sơ tồn đọng hàng chục năm đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan. Có được kết quả đó, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Lê Tấn Dũng, là nhờ sự cố gắng, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền cơ sở, các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những đồng chí, đồng đội của NCC với cách mạng đã nỗ lực tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành những cơ sở nhất định để xem xét, xác nhận đối tượng NCC với cách mạng với mục tiêu không bỏ sót NCC thật sự. 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, với những kết quả đạt được từ các địa phương, có thể thấy chúng ta đã giải quyết xong các hồ sơ tồn đọng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư. Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng hồ sơ tồn đọng, mà khi chuyển sang giai đoạn mới (năm 2021), để giải quyết những vướng mắc, cần phải có hướng tiếp cận mới, tiếp tục có những điều chỉnh theo hướng xem xét không gọi đây là hồ sơ tồn đọng, mà sẽ xét trường hợp cụ thể, như: mất tin, mất tích, thiếu thông tin hồ sơ… Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác xác nhận NCC với cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng... với tinh thần bảo đảm quyền lợi, không bỏ sót NCC với cách mạng nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự tri ân của nhân dân.