Thế trận lòng dân

Trao cơ hội thoát nghèo

Là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, Bắc Trà My gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đất đai cằn cỗi, kỹ thuật canh tác hạn chế, diện đói, nghèo còn ở mức cao, tập trung phần lớn vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để hỗ trợ địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, lực lượng vũ trang huyện đã triển khai nhiều cách làm “Dân vận khéo” phù hợp; trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tạo sinh kế và nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo cho đồng bào DTTS thông qua các mô hình “Trồng lúa cải tiến SRI” và “Chăn nuôi chuồng trại gắn với tăng gia sản xuất”.

cho đồng bào dân tộc thiểu số Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) giúp người dân thu hoạch cá.
cho đồng bào dân tộc thiểu số Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) giúp người dân thu hoạch cá.

Qua khảo sát thực thế, do tập quán canh tác của một bộ phận người dân còn lạc hậu, chủ yếu làm nương phát rẫy, trong khi quỹ đất ruộng khá phong phú, chưa được áp dụng các biện pháp khoa học -  kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, dẫn đến năng suất không cao. Giải quyết vướng mắc nêu trên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Bắc Trà My đã phân công lực lượng hỗ trợ ngày công, phối hợp người dân mở rộng diện tích trồng lúa nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh 1,9 ha lúa cải tiến SRI theo phương thức canh tác mới, giúp cho cây lúa cứng, khỏe, tăng khả năng chống chịu đối với sâu bệnh mới xuất hiện và giảm 30% nhu cầu nước tưới cho ruộng so canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả, năng suất cao hơn hẳn, thu nhập của người nông dân nhờ thế được tăng lên. Nhìn những bông lúa vàng óng ánh, trĩu hạt, bà Trần Thị Liên - hộ đồng bào Ca Dong trồng lúa SRI tại xã Trà Đốc, vui mừng cho biết: “Mấy năm trước, giống lúa cũ năng suất thấp lắm. Bây giờ bộ đội hướng dẫn trồng lúa cải tiến rồi, thu hoạch nhiều hơn hẳn, bông lúa rất tốt, rất đẹp, chất lượng cao. Sau này, bà con sẽ trồng toàn lúa mới thôi, không còn lo đói nữa…”.

Trước thực tế các hộ đồng bào DTTS chưa quan tâm việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi, gia súc, gia cầm hầu hết nuôi thả rông, phát triển chậm và thường gánh chịu thiệt hại nặng nề, nhất là vào mùa mưa bão, Ban CHQS huyện đã phân công cán bộ, chiến sĩ cùng dân quân các xã hướng dẫn  người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố; phối hợp cán bộ nông nghiệp địa phương chuyển giao các biện pháp kỹ thuật, hỗ trợ con giống cho năng suất cao, ít dịch bệnh. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, bộ đội còn cung cấp giống, giúp người dân trồng 1,7 ha cỏ voi và 3,2 ha hoa màu, khai thác sử dụng phân từ nguồn chăn nuôi gia súc để bón cho cây vừa bảo vệ môi trường, vừa hạn chế các loại phân bón hóa học làm ảnh hưởng chất lượng đất trồng trọt. 

Thượng tá Trần Cao Thái, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bắc Trà My cho biết, hai mô hình “Dân vận khéo” nêu trên của Ban CHQS huyện đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Qua đó giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra theo hướng bền vững và từng bước tiến tới làm giàu chính đáng trên chính vùng đất quê hương mình.

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

HT:  (6NH - 203 Đà Nẵng)