TP Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh

Qua hai năm nỗ lực thực hiện đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, diện mạo thành phố đã có sự đổi thay rõ rệt, nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại được áp dụng đã mang lại những kết quả khả quan trong công tác quản lý nhà nước, giúp người dân ngày càng hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình đang dần trở thành hiện thực.

Một góc Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại Sở Thông tin và Truyền thông. Ảnh: QUỐC ĐỊNH
Một góc Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại Sở Thông tin và Truyền thông. Ảnh: QUỐC ĐỊNH

Những kỳ vọng

Sự kiện ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm Ðiều hành Y tế thông minh tại Sở Y tế và Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh tại Sở Giáo dục và Ðào tạo (ngày 11-2 vừa qua) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng đô thị thông minh của TP Hồ Chí Minh. Ðây cũng là hai trung tâm điều hành thông minh về y tế, giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm Ðiều hành Y tế thông minh triển khai thí điểm 12 hợp phần (trong đó có hệ thống giám sát dịch Covid-19) kết nối với 48 ca-mê-ra đặt tại tám bệnh viện kèm theo phân tích AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ cho công tác điều phối quá tải cấp cứu, phòng, chống dịch Covid-19, gồm: nhận dạng các đối tượng xấu như trộm cắp, cò mồi; đếm số bệnh nhân quá tải ở phòng khám, khu vực phòng cấp cứu, đếm số giường cấp cứu đang còn trống giúp cho công tác điều phối bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu 115; lập ba-ri-e ảo tại các khu vực phòng mổ, khu vực cách ly hạn chế người ra vào; nhận diện hành vi mang vũ khí, đánh nhau, quên đồ; hệ thống tele-medicine kết nối giữa các bệnh viện, trạm y tế để phục vụ công tác điều hành, trao đổi chuyên môn hay hội chẩn... Ngoài ra, Trung tâm Ðiều hành Y tế thông minh còn đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, thực hiện chuyển giao công nghệ giúp ngành y tế thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ và phục vụ. Trước mắt, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, các hệ thống sẽ giúp cập nhật tình hình các ca nhiễm bệnh ở các cơ sở kịp thời hơn.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh sẽ giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý. Trong đó, nội dung được nhiều người mong chờ nhất là tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập. Ở giai đoạn triển khai thí điểm sẽ thực hiện tại quận 1, quận 12 và năm trường THPT là Lê Hồng Phong, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền và Lê Quý Ðôn. Hiện đã có một phần ba trường học trên địa bàn thành phố gắn ca-mê-ra quan sát. Thời gian tới sẽ phấn đấu phủ kín ca-mê-ra tại tất cả các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục.

Thành công từ những mô hình "điểm"

Dù mới triển khai Ðề án đô thị thông minh được hai năm, nhưng nhiều lĩnh vực của thành phố đã có những bước đi cụ thể, giúp việc quản lý, điều hành được thuận lợi; người dân bước đầu được thụ hưởng những thành quả của đề án này. Tại quận 12, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý đã mang lại hiệu quả cao, giúp người dân hài lòng khi thực hiện các TTHC. Cụ thể, quận đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC) để giúp người dân theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách tức thời. Ðến nay, phần mềm đã hỗ trợ giải quyết gần 57 nghìn hồ sơ của người dân. Quận cũng đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục thuộc các lĩnh vực. Ðặc biệt, quận đã làm việc với đơn vị thanh toán trực tuyến VNPAY để triển khai tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến vào cổng dịch vụ công trực tuyến của quận. Người dân hoàn toàn có thể giải quyết TTHC nhanh chóng, qua in-tơ-nét và theo dõi tiến độ xử lý, kết quả xử lý. Ngoài ra, quận 12 cũng đã xây dựng trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh đặt tại trụ sở Công an quận. Trung tâm này tích hợp 600 ca-mê-ra hiện hữu tại các khu dân cư nhằm quản lý tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Ðể tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp (DN), quận 12 cũng triển khai các giải pháp như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hệ thống trả lời tự động để hướng dẫn TTHC, tiếp nhận, quản lý trả lời phản ánh của người dân qua Facebook, Zalo…

Tương tự, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (Sở Giao thông vận tải), đã lắp 762 ca-mê-ra giám sát giao thông ở nút giao thông trọng điểm, các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông… kết nối về trung tâm quản lý và điều hành giao thông. Nhân viên vận hành sẽ ghi nhận tình hình giao thông tại các địa điểm để thông báo cho các đơn vị kịp thời xử lý các tình huống gây ùn tắc giao thông, cũng như thông tin các sự cố tai nạn giao thông trên địa bàn. Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn Ðoàn Văn Tấn cho biết: Với hệ thống ca-mê-ra này, những sự cố giao thông, thông tin ùn tắc giao thông được thông báo thường xuyên trên hệ thống, ứng dụng thông tin giao thông. Cũng trên nền bản đồ giao thông, các thông tin về những điểm ngập thường xuyên được cập nhật trên cổng thông tin Hệ thống thoát nước và ứng dụng UDI Maps... Những ứng dụng này giúp người dân có thể nắm bắt, lựa chọn các cung đường di chuyển thuận lợi hơn, tránh bị kẹt xe, ngập nước; giúp người dân chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại
do ngập lụt gây ra...

Ở cấp thành phố, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường cho biết, đến nay, bốn trung tâm (trụ cột) của thành phố thông minh đã được hình thành, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm an toàn thông tin thành phố; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội. Trong đó, Trung tâm điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1) đặt tại UBND thành phố với hơn 1.000 ca-mê-ra được kết nối, tích hợp dữ liệu về trung tâm nhằm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự. Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức, DN (cổng 1022) đã được nâng cấp mở rộng, gồm sáu kênh tiếp nhận phản ánh: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email, website, Facebook và ứng dụng (App) trên điện thoại. Ðặc biệt, cổng 1022 đã mở rộng cho 24 quận, huyện, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân. Ðến nay cổng này tiếp nhận đến 4.000 phản ánh mỗi tháng với 1.400 cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xử lý trên hệ thống. Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo, từ đó đã ứng dụng các mô hình dự báo chuỗi thời gian để dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho năm 2019-2020…

Nỗ lực về đích năm 2025

Ðể phấn đấu đạt mục tiêu, năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ là đô thị thông minh, theo ông Lê Quốc Cường, ngay từ đầu năm 2020, đã triển khai xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của thành phố thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025; xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh ca-mê-ra tập trung của thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố về kho dữ liệu dùng chung; tập trung triển khai cơ sở dữ liệu người dân, DN, nền địa hình, địa chính; triển khai bản đồ số dùng chung cho thành phố… Ngoài ra, thành phố triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cung cấp các dịch vụ cho người dân, DN thuộc các lĩnh vực cụ thể như cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, giao thông; chống ngập, môi trường; y tế, an ninh trật tự; chỉnh trang đô thị. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đặt hàng các DN, đặc biệt là các DN công nghệ thông tin - viễn thông đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện xây dựng đô thị thông minh, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách; khuyến khích DN đầu tư và cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm triển khai nhanh, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin,… Trước mắt sẽ tiếp tục xây dựng quy chế vận hành của Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, xây dựng kịch bản dự báo phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phục vụ cho Ðại hội lần thứ 11 của Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến tại lễ sơ kết hai năm thực hiện đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Chỉ đạo đề án cho biết: Mục tiêu cuối cùng của xây dựng thành phố thông minh là người dân được phục vụ tốt hơn. Chẳng hạn, với lĩnh vực y tế, người dân ở nhà có thể chọn được cơ sở điều trị, thậm chí chọn được bác sĩ; chọn giờ khám, chữa bệnh. Hệ thống y tế phát huy cơ sở vật chất tốt hơn, điều phối tốt nếu có dịch xảy ra, đồng thời hội chẩn qua mạng trong nước và nước ngoài; nâng cao hiệu quả quản lý như cập nhật số liệu hằng ngày, đặc biệt là làm công tác dự báo. Cuối cùng là bác sĩ của các bệnh viện có điều kiện học tập nâng cao nghiệp vụ. Ðối với ngành giáo dục, người học sẽ học dễ dàng hơn, học hiệu quả hơn, có sự tham gia của gia đình, đội ngũ giáo viên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ; quản lý hệ thống ngành thông minh hơn.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được sau hai năm thực hiện, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND thành phố xây dựng "khung" chuẩn để các địa phương triển khai đồng bộ; trong đó, cần xác định rõ mục tiêu, đối tác công nghệ trong thời gian tới; ký kết hợp tác với những cam kết cụ thể. Thành phố phải xác định rõ từng vấn đề hợp tác, định hướng cơ chế tài chính cho phù hợp; cách thức hợp tác với người dân, khuyến khích người dân tham gia đề án. Từ kết quả tích cực ban đầu, những tiện ích người dân bước đầu được thụ hưởng sẽ là động lực để thành phố đẩy mạnh triển khai xây dựng đô thị thông minh. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đề án được kỳ vọng sẽ đem lại sự phát triển nhanh, bền vững và giải quyết những vấn đề tồn tại của thành phố hiện nay. TP Hồ Chí Minh quyết tâm, đến năm 2025 sẽ là thành phố thông minh.