Tiếng nói từ cơ sở

Thực hiện bình đẳng giới

Quán triệt, triển khai chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, trong đó có cả lĩnh vực chính trị. Thực tế cho thấy, công tác này được tiến hành đồng bộ, xuyên suốt đã mang lại cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Tại Cà Mau, công tác cán bộ nữ đã được các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm. Ngoài bảo vệ quyền bình đẳng giới, các chính sách ưu tiên được tỉnh vận dụng, góp phần động viên, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành. Phần lớn các cán bộ nữ trong tỉnh khi bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn được ưu tiên ở những vị trí phù hợp với sở trường, sức khỏe. Bên cạnh đó, khi đào tạo chuẩn hóa chức danh quy hoạch, cán bộ nữ được đề đạt nguyện vọng, chủ động lựa chọn thời điểm đi đào tạo. Hiện, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh ở Cà Mau chiếm gần 7,7%; cấp huyện chiếm 11%; cấp xã chiếm gần 17%. Tỷ lệ nữ tham gia HÐND ba cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Toàn tỉnh hiện có 526 trong tổng số 2.048 công chức nữ, 11.189 trong tổng số 21.302 viên chức nữ…

Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nhiều địa phương còn thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân do cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch các chức danh, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Ðảng, là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn đang phải chịu những định kiến nặng nề về giới. Khi nào, ở đâu còn định kiến đó, việc tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ còn bị hạn chế.

Phụ nữ với thiên chức của mình, phải dành nhiều thời gian cho gia đình, cho nên ít có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, chưa kể tâm lý tự ti của họ cũng hạn chế sự phát triển năng lực, sở trường. Thực hiện bình đẳng giới
trong lĩnh vực chính trị không chỉ đơn thuần là thực hiện quy định tỷ lệ nữ được cơ cấu trong các cuộc bầu cử của Ðảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, mà trước hết cần tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ không ngừng tiến bộ, vươn lên.

Thiết nghĩ, các địa phương phải bắt đầu từ khảo sát, đánh giá khoa học thực trạng bình đẳng giới; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, cập nhật, thực hiện quan điểm mới trong công tác bình đẳng giới. Từ đó có các chương trình trung hạn và dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giải quyết vấn đề bình đẳng giới. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ phải luôn được quan tâm, chú trọng. Ðể góp phần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp thì từ gia đình, cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể từ cơ sở cần tạo điều kiện cho cán bộ nữ từng bước khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò trong lĩnh vực chính trị. Ðiều quan trọng là mỗi phụ nữ cần không ngừng khẳng định bản thân, có ý chí phấn đấu vươn lên để chứng tỏ được năng lực, khẳng định vai trò trong lĩnh vực chính trị.