Thừa cử nhân, thiếu lao động có tay nghề

Tỉnh Ninh Thuận tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong tỉnh sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Buổi tư vấn đã thu hút đông đảo học sinh của 42 trường trong tỉnh cùng các nhà quản lý, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh cho rằng, để có việc làm sau khi ra trường là điều không hề dễ dàng. Thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng nhiều năm không tìm được việc làm phù hợp ngành nghề đã học. Vì áp lực cuộc sống, nhiều người trong số họ đã “giấu” bằng cử nhân để đi làm công nhân.

Không riêng Ninh Thuận, tại nhiều tỉnh, tình trạng thừa cử nhân, thiếu lao động có tay nghề đã và đang là trăn trở của lãnh đạo địa phương, và cũng là bài toán khó đối với gia đình các em trong việc trang trải kinh phí học tập bậc cao đẳng, đại học nhưng khi tốt nghiệp lại không có việc làm. Nguyên nhân là do các ngành, chính quyền các địa phương và nhà trường chưa có sự kết nối, định hướng cụ thể để các em tự tin chọn nghề và học nghề, có việc làm phù hợp với nhu cầu. Cần có sự kết nối và định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề phù hợp năng lực và hoàn cảnh kinh tế gia đình. Qua đó, các em xác định được tương lai, đồng thời đáp ứng được “cung, cầu” về lao động.

Cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương cần chú trọng nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.