Thay đổi phong cách

Sớm ngày ra đã thấy nhà hàng xóm  kế bên to tiếng. Bác trai nhà ấy nghe nói giữ chức gì đó kha khá ở cơ quan huyện, nhưng mỗi khi bà con thôn xóm tổ chức hội họp, bác cũng chỉ đến thoáng qua; ai phát biểu ngược xuôi gì cũng đồng ý. Nhà bác thì kín cổng cao tường, quanh năm hầu như không nghe tiếng động. Thế mà hôm nay bỗng thấy vợ chồng tranh cãi, lại có cả tiếng đồ vật đổ vỡ… Là hàng xóm lâu năm, tôi mạnh dạn sang tìm hiểu. Thấy tôi, bác gái phân bua:

- Nhà em mấy hôm nay trái tính bác ạ. Trước kia, mỗi khi làm việc gì anh ấy cũng nhẹ nhàng, chỉ sợ đụng chạm gây hỏng, nhưng giờ mạnh chân mạnh tay, ăn to nói lớn lắm. Hôm trước, anh ấy khuân mấy thùng tài liệu lên tầng mà làm gãy cả tay vịn cầu thang. Hôm nay, tưới mấy luống rau mà giẫm nát cả vườn…

Bác trai sau hồi trầm ngâm, mời tôi uống trà:

- Cùng làm cán bộ thì anh biết đấy. Cả quá trình công tác, tôi chưa từng chê trách ai. Phụ trách mảng văn hóa - xã hội của huyện mình nhưng tôi chưa kỷ luật một cán bộ nào cho dù có sai phạm. Nhất là thời gian gần đây, xuống chỉ đạo công tác tại cơ sở, tôi chỉ có khen mà không chê. Thế mà đại hội đảng bộ cơ quan vừa qua, số phiếu ủng hộ tôi lại thấp nhất. 

Tôi chỉ biết an ủi:

- Chắc vậy nên giờ bác “thay đổi phong cách” làm bác gái ngạc nhiên. Nhẹ nhàng, tránh đụng chạm cũng tốt nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Nhất là trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo,  khi bác chỉ ra cái sai, cái yếu kém, có thể mất lòng ai đấy nhưng mang lại hiệu quả cho cả tập thể. Lúc nào cũng “đi nhẹ nói khẽ”, thái độ dĩ hòa vi quý là xưa cũ, lạc hậu rồi, cần đổi mới bác ạ. Bây giờ mọi người lại ủng hộ những ai có ý kiến thẳng thắn, dám phê phán, dám đương đầu với cái khó.

- Thì nghĩ như anh nên tôi cũng đang thay đổi mà khó quá. Đi mạnh thì đụng vỡ cầu thang, muốn tưới rau thật thấm thì làm nát vườn…

- Cũng phải từ từ ạ. Thay đổi một lối nghĩ, một tư duy cũ vốn ăn sâu, bén rễ không phải ngày một, ngày hai. Nhưng nếu quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được bác ạ.