Tạo nguồn cán bộ ở Yên Bái

Nhằm tạo nguồn cán bộ, Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Ðề án số 11-ÐA/TU với ba đối tượng cán bộ là nữ, trẻ (dưới 35 tuổi) và người dân tộc thiểu số. Sau hai năm triển khai đã có 150 cán bộ được tuyển chọn tham gia Ðề án và đã được bố trí sử dụng, góp phần tạo nguồn lực mới cho địa phương.

Cán bộ trẻ hướng dẫn các em học thêm tại huyện Văn Yên.
Cán bộ trẻ hướng dẫn các em học thêm tại huyện Văn Yên.

Chất lượng đầu vào

Qua nhiều bước hội thảo, tiếp thu ý kiến của nhiều cấp, ngành, trong tỉnh và Trung ương, đến tháng 8-2018 Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Ðề án 11-ÐA/TU "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035" (Ðề án), tiếp đó là Văn bản Hướng dẫn số 11-HD/BTCTU. Theo đó các địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia Ðề án bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình quy định. Từ hơn 3.000 hồ sơ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã lựa chọn được gần 400 hồ sơ giới thiệu nhân sự tham gia Ðề án. Căn cứ chuyên ngành đào tạo của cán bộ được giới thiệu tham gia Ðề án, Hội đồng sơ tuyển đã thống nhất phân loại hồ sơ của cả ba đối tượng (trẻ, nữ, dân tộc thiểu số) theo bảy lĩnh vực gồm: Kinh tế - tài chính, nông - lâm nghiệp, kỹ thuật, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, nội chính. Hội đồng sơ tuyển cán bộ đã lựa chọn và trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định chọn 240 đồng chí đủ điều kiện để sát hạch, tham gia Ðề án.

Ngay sau khi hoàn thành sơ tuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức sát hạch cán bộ tham gia Ðề án với hai hình thức: Thi viết bài kiến thức chung và thi thuyết trình. Các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp thực hiện sát hạch phần thi thuyết trình đối với các thí sinh. Căn cứ kết quả tổng điểm đạt được theo thứ tự từ cao xuống thấp, Ban Tổ chức đã lựa chọn 150 cán bộ tham gia Ðề án, trong đó: Cán bộ trẻ 60 người, cán bộ nữ 45 người, cán bộ người dân tộc thiểu số 45 người.

Tùy theo từng đối tượng, các cán bộ tham gia Ðề án được cử đi học cao cấp lý luận chính trị hoặc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý trong và ngoài nước. Sau mỗi chương trình đào tạo, đều có sự đánh giá kết quả học tập của học viên để làm căn cứ nhận xét cán bộ. Trong năm 2019, đã chỉ đạo lựa chọn, sắp xếp 20 cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số, 40 cán bộ trẻ tham dự các kỳ họp của HÐND; bố trí cho tất cả các cán bộ thuộc Ðề án dự đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó, cán bộ có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị của tỉnh; được học tập, bồi dưỡng thêm kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị…

Năm 2019, tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương bổ sung quy hoạch cán bộ tham gia Ðề án gắn với quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh và cơ quan, địa phương. Trong quá trình thực hiện, Ban Tổ chức đã đưa ra khỏi Ðề án 13 đồng chí vì không đạt yêu cầu của dự án. Ðến tháng 3-2020, tỉnh ban hành Kế hoạch số 181-KH/TU về luân chuyển, điều động, tăng cường đối với cán bộ tham gia Ðề án. Qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ này được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nhất là kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Kết quả, từ năm 2019 đến nay đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tăng cường 80 đồng chí, trong đó có 41 đồng chí là cấp ủy viên cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025, 17 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt cấp xã.

Rèn luyện tại cơ sở

Ðể đào tạo được nhân tài đã khó, nhưng sử dụng được nhân tài còn khó hơn nhiều. Hơn thế giữa việc lâu dài là đào tạo, bồi dưỡng có mối liên hệ chặt chẽ với việc trước mắt là bố trí, sử dụng. Ðào tạo thiếu tầm nhìn chiến lược, sẽ tạo ra những cán bộ không có chuyên môn đúng với nhu cầu thực tiễn và tất yếu dẫn đến cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển tăng cường 34 cán bộ. Trong đó có bảy cán bộ được tăng cường về cho các xã. Qua các đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở vừa diễn ra, các đồng chí đều đạt số phiếu tín nhiệm cao, cho thấy sự bắt nhịp nhanh của cá nhân và chiến lược tạo nguồn cán bộ đúng hướng của Tỉnh ủy.

Chúng tôi có dịp đến hai huyện có số cán bộ tham gia Ðề án cao là Yên Bình và Lục Yên. Hai huyện này cũng vừa hoàn thành Ðại hội đại biểu Ðảng bộ cấp huyện. Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Yên Bình Vũ Thị Linh Nhâm cho biết, huyện có sáu đồng chí tham gia Ðề án, đến nay đã bổ nhiệm, luân chuyển năm đồng chí; một người còn lại cũng đang chờ bổ nhiệm trong thời gian gần. Ðề án đã góp phần giúp địa phương tự chủ rà soát, lựa chọn cán bộ phù hợp để sau khi được đào tạo có thêm kiến thức, bản lĩnh và kỹ năng đáp ứng tốt đòi hỏi nhiệm vụ. Thí dụ như trường hợp Bí thư Huyện đoàn Yên Bình Nguyễn Thị Ngà tham gia Ðề án đã được tăng cường xuống xã Hán Ðà. Vừa qua, trong Ðại hội đại biểu Ðảng bộ xã, đồng chí Ngà được bầu chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã với số phiếu tín nhiệm 100%. Thời gian về cơ sở tuy chưa lâu nhưng theo nhận xét của đảng viên và nhân dân trong xã, đồng chí Ngà luôn thể hiện được sự năng nổ, nhiệt tình trong công tác. Ðồng chí luôn dành nhiều thời gian gần gũi với cấp ủy và nhân dân địa phương.

Ngược theo hướng bắc của TP Yên Bái hơn 100 km là huyện Lục Yên. Vừa qua huyện cũng cử 12 đồng chí cán bộ dự thi vào Ðề án, qua quá trình thi tuyển có sáu người đủ điều kiện tham gia. Ðể được lựa chọn, các ứng viên phải thể hiện năng lực bản thân một cách thật sự xuất sắc. Ngoài những câu hỏi mang tính chuyên môn, nghiệp vụ thì còn có phần thi thuyết trình. Các thí sinh phải hùng biện trước hội đồng giám khảo về một chủ đề không được biết trước. Hoàng Thị Thanh Vân là một cán bộ trẻ, người dân tộc Tày đã nhận được câu hỏi: Với điều kiện địa phương, nên ưu tiên phát triển kinh tế hay gìn giữ môi trường? Ðây là một câu hỏi mở, không có đáp án đúng hoặc sai. Với kiến thức chuyên môn, bản lĩnh và tài hùng biện của mình, Vân đã thuyết phục được hội đồng giám khảo với điểm số cao. Tháng 3 vừa rồi, Vân cũng đã trúng cử và giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh.

Khi được hỏi về những trải nghiệm đáng nhớ trong các khóa học của Ðề án, Hoàng Thị Thanh Vân nói về khóa học tại Vân Nam (Trung Quốc). Hoàn cảnh ở hai địa phương tương đối giống nhau, song nền tảng công nghệ thông tin bên nước bạn tốt hơn. Nông dân ở đó đã thực hiện giao dịch trực tuyến từ khá lâu rồi và làm rất hiệu quả. Phát triển công nghệ thông tin cũng là một hướng gợi mở đối với xã nghèo đang từng bước xây dựng nông thôn mới như Tân Lĩnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên Ðoàn Ngọc Tuấn trao đổi: Ðể đánh giá Ðề án có thành công hay không còn phải chờ thêm thời gian, trước mắt chỉ có thể khẳng định hướng tạo nguồn cán bộ như vậy là đúng.

Ðược biết, không riêng với Lục Yên, nhiều địa phương cấp huyện của tỉnh Yên Bái cũng giao nhiều trọng trách cho lứa cán bộ tham gia Ðề án. Tất cả vẫn phải chờ từng cá nhân phát huy bản lĩnh, kiến thức và nhiệt huyết trong công tác tại tuyến cơ sở, nơi được ví như tuyến xuất phát của một hành trình dài gian lao, vất vả.