Sức trẻ vượt đại dịch phát triển kinh tế

Ðại dịch Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề trên toàn thế giới. Thế nhưng, Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng đã có những cách làm sáng tạo, nhanh chóng góp phần vượt qua, từng bước lấy lại nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội.

Thành viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh (tỉnh Hòa Bình) canh tác trên đất sản xuất.
Thành viên Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh (tỉnh Hòa Bình) canh tác trên đất sản xuất.

Sức trẻ trên mặt trận kinh tế

Dẫn chúng tôi đi thăm những khu nhà màng trồng rau công nghệ cao của Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh ở xóm Ðồng Chúi (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), anh Ðinh Thế Ngữ Tôn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, tự hào chia sẻ: "Ðây là mô hình trồng rau công nghệ cao lớn nhất huyện Lương Sơn với tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó có hơn 1.500 m2 nhà màng công nghệ cao. Sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc, giá bán trên in-tơ-nét".

Ba năm trước, hai anh em Ðinh Thế Ngữ Tôn, Ðinh Minh Quý mạnh dạn thành lập HTX Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh để tận dụng dự án phát triển rau an toàn do Ngân hàng Thế giới triển khai tại huyện Lương Sơn. Không ít người tỏ ý nghi ngờ "hai ông tướng vừa tốt nghiệp đại học đã muốn dạy chú bác làm ruộng". Tôn, Quý nhờ chính quyền địa phương giúp cùng tổ chức họp để dần thuyết phục bà con; mời chuyên gia về tập huấn cho xã viên làm quen quy trình, quy chuẩn sản xuất mới, thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ; tự trau dồi kiến thức quản trị, kinh doanh, pháp lý, sử dụng công nghệ… Thời gian đầu, do sản xuất ồ ạt, thiếu kế hoạch, cả thôn nhiều khi phải ăn rau trừ bữa. Người ăn không hết, xót mấy cũng đành mang cho trâu bò. Các xã viên chán nản, có người còn muốn bỏ HTX. Gia đình Tôn, Quý cũng sốt ruột vì thấy hai anh em mang tiền nhà đi làm mà mãi không có lãi. "Chúng tôi chất rau lên xe tải, hằng ngày tự chở đến các nhà hàng, khu du lịch để chào bán nhưng họ đều đã có đầu mối. Hai anh em liều bán bằng nửa giá thị trường, ai mua nhiều còn được tặng thêm. Dần dần, HTX có thêm hợp đồng, giúp tiêu thụ hơn 50% tổng sản lượng rau", anh Tôn kể.

Năm 2018, từ hai bàn tay trắng, Lý Kin Sinh khởi nghiệp với trang trại cá hồi rộng khoảng gần 1.000 m2 tại xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Căn nhà đang ở không đủ điều kiện thế chấp, anh vay mượn người thân khoảng 700 triệu đồng để bắt đầu ước mơ. Từ một kế toán viên làm giờ hành chính, bỗng tối ngày thường trực bên bể cá, trời nóng thấp thỏm lo cá ốm, ngày mưa nơm nớp sợ lũ về, nhiều lúc chàng trai sinh năm 1988 đã định bỏ dở. Hiểu rằng không thể nóng vội, anh thanh niên dân tộc H’Mông thành lập HTX nông sản Nậm Pung, mời bạn bè chung chí hướng tham gia khởi nghiệp. Anh chia đàn cá thành nhiều lứa để tăng khả năng tái đàn khi có rủi ro, đổi chế độ chăm sóc theo hướng dẫn của các chủ trại cá lớn. Nhờ tận dụng triệt để nguồn nước sạch, chú ý hơn tới nhiệt độ nước… mô hình dần đi vào ổn định. Thế nhưng, khi lứa cá đầu tiên chuẩn bị "xuất chuồng", một cơn lũ quét hồi đầu năm 2020 đổ ập qua trại cá. Ngồi bên những bể cá tan tác, đục ngầu, nhà khởi nghiệp trẻ thẫn thờ nhẩm tính thiệt hại lên tới gần một tỷ đồng, nhưng vẫn chưa nản chí…

Trong số những nhà khởi nghiệp trẻ sở hữu "đứa con tinh thần" đang tăng trưởng mạnh của Thủ đô Hà Nội, có một nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành từng trải nhiều công việc như lập trình viên và cả… dịch vụ giặt là. Với mong muốn mang lại sự bình an và niềm vui cho hành khách đi xe liên tỉnh, đầu năm 2017, anh Phan Bá Mạnh mở Công ty cổ phần công nghệ An Vui, cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành, chuyển đổi số… cho các doanh nghiệp vận tải khách đường dài. "Ðây là một nước đi mạo hiểm ở thời điểm đó, bởi xe khách liên tỉnh có tính sở hữu, doanh thu theo thời lượng vận hành, đối tượng hành khách và vô số yếu tố giằng xé về lợi ích đặc thù", anh Mạnh nói.

Ông trời khéo thử lòng người. Khách hàng đầu tiên của An Vui là một doanh nghiệp xe khách tuyến Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai) đang mấp mé bờ vực phá sản. Bắt tay khảo sát, CEO trẻ phát hiện hàng loạt lỗ hổng gây thất thu, nợ đọng, vấn đề về nhân lực, sự bão hòa của thị trường… Ðể xử lý, An Vui phải đối mặt nhiều khó khăn như bị các lái xe phản đối dữ dội, đại lý bán vé từ chối cộng tác, thậm chí có cổ đông còn đơn phương rút toàn bộ vốn, bản thân anh Mạnh từng nhiều lần bị dọa hành hung… Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, với sự đồng hành đắc lực của An Vui, doanh nghiệp xe khách đã lấy lại được chỗ đứng trên thị trường. Doanh nghiệp này hiện đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi tháng, với toàn bộ hệ thống dịch vụ được số hóa hiện đại. Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, sau ba năm nỗ lực, An Vui đã có khoảng hơn 100 khách hàng thường xuyên.

Sáng tạo vượt đại dịch

Dịch Covid-19 như một cơn sóng thần ập đến bất ngờ, gây nhiều biến động tiêu cực trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Doanh thu các doanh nghiệp khách hàng của An Vui giảm xuống bằng không. Trong thời điểm dòng tiền đầu tư không còn chảy, anh Mạnh nhanh chóng lên kế hoạch cụ thể để vượt qua đại dịch theo phương châm không bỏ rơi khách hàng. "Chúng tôi cắt giảm các mảng phụ trợ, giữ lại phần "lõi" là bộ phận công nghệ thông tin, giảm lương "cứng" nhưng tăng mạnh số tiền thưởng doanh thu. Ðồng thời, miễn toàn bộ chi phí, tổ chức hàng loạt buổi tập huấn vượt khủng hoảng cho khách hàng; tập trung nghiên cứu những hình thức kinh doanh, dịch vụ mới mang nhiều yếu tố công nghệ hơn. Trong lúc nhiều công ty tạm đóng cửa, văn phòng của An Vui hoạt động vượt công suất, thậm chí làm tăng ca, xuyên đêm để tìm kiếm sản phẩm mới", anh Mạnh nhớ lại.

Năng động, táo bạo, anh Mạnh và các cộng sự đã biến nguy thành cơ. Trong thời gian cách ly xã hội, An Vui hoàn thiện nhiều dịch vụ mới như vé điện tử, hợp đồng điện tử… Khách hàng của An Vui cũng được tăng "sức đề kháng" trong kinh doanh, chuyển đổi số hóa để sẵn sàng trở lại guồng quay thị trường. Nói cách khác, doanh nghiệp non trẻ của anh Mạnh không chỉ "tự lực cánh sinh", mà còn hỗ trợ, đưa nhiều doanh nghiệp khách hàng vượt đại dịch một cách vững vàng, tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của ngành vận tải.

Trước trạng thái "đóng băng" của ngành du lịch, Chủ nhiệm HTX nông sản Nậm Pung Lý Kin Sinh cũng tích cực sáng tạo để đối phó dịch Covid-19. Thay vì chờ đầu mối tới trại lấy hàng, anh Sinh học cách mổ cá, mua trang thiết bị về đóng gói chân không, đóng thùng rồi thuê phương tiện chở cho cả khách hàng sỉ và lẻ. Anh Sinh đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội, giới thiệu mặt hàng với giá ưu đãi… Có vốn xoay vòng, anh tái đầu tư trại, nâng cao chất lượng thức ăn, điều kiện sống của đàn cá hồi, thử nghiệm nuôi thêm cá tầm, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương. Hiện, nông sản từ HTX của "anh kế toán làm nông" đều được đăng ký bản quyền, thương hiệu và đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Ðiện Biên…

Không hề thua kém những nhà khởi nghiệp trẻ nêu trên, khi dịch Covid-19 chớm xuất hiện, Ðinh Thế Ngữ Tôn và Ðinh Minh Quý đã nhanh chóng động viên, hướng dẫn nông dân trong HTX bán rau theo hình thức "ship tận nhà" và hạ giá thành sản phẩm. Với vai trò Bí thư Ðoàn Thanh niên HTX, Tôn nghĩ ra sáng kiến quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm lên trang mạng xã hội cá nhân của toàn bộ đoàn viên, thanh niên ở HTX. Khi thời gian cách ly xã hội chấm dứt, HTX lập tức kết nối lại toàn bộ hệ thống bán hàng, củng cố thị trường địa phương, đồng thời "tiến quân" thâm nhập thị trường Thủ đô. Ðến nay, hằng tháng doanh thu của HTX đạt gần 250 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng.

Cần thêm những hỗ trợ kịp thời

Sở hữu lợi thế về tinh thần khởi nghiệp, sự sáng tạo, khả năng thích nghi mạnh mẽ, nhưng đoàn viên, thanh niên nói chung và các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp nói riêng vẫn cần thêm sự hỗ trợ, đồng hành hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Quan trọng hơn, nguồn lực hỗ trợ phải nhanh chóng, đúng đối tượng và trúng vấn đề. Ðơn cử như hai anh em Tôn và Quý dù tốt nghiệp các trường đại học về nông - lâm nghiệp nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp nông nghiệp. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ địa phương có nhiều điểm chưa "trúng". Ðơn cử như việc các cán bộ nông nghiệp thiết kế, lắp đặt một hệ thống thoát nước ở vị trí… cao hơn ruộng rau, khiến hơn 2.000 m2 đất canh tác bị ngập úng cục bộ, khó xử lý, gây chậm tiến độ sản xuất, lãng phí trang thiết bị. Nhiều đơn vị nhận thu mua nông sản của HTX thông qua giới thiệu của các cơ quan chức năng đã đơn phương ngừng hợp tác sau thời gian ngắn, gây hoang mang cho các thành viên HTX.

Những vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp đối với thanh niên vùng cao không hiếm gặp. Với các mô hình lớn, thanh niên phải có tài sản bảo đảm để thế chấp vay vốn. Nhưng thực tế, các bạn trẻ và đặc biệt là thanh niên vùng cao không thể sở hữu khối tài sản đủ điều kiện thế chấp. Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Bát Xát Nguyễn Xuân Hùng, nhiều mô hình khởi nghiệp đã "chết yểu" do không tìm được vốn tái đầu tư sản xuất. "Nhiều năm nay, không ít nhà khởi nghiệp trẻ có triển vọng tại huyện Bát Xát chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong khi đó, thanh niên khởi nghiệp lại không nằm trong diện hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Kể cả là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hay đối tượng chính sách thì cũng chỉ được hỗ trợ vay tối đa 50 triệu đồng, chưa kể khâu khảo sát chậm, thủ tục đánh giá phức tạp", anh Hùng chia sẻ.

Các rào cản về chính sách không chỉ gây khó cho thanh niên vùng cao. Ngay ở những tỉnh, thành phố lớn, phần lớn doanh nghiệp trẻ cũng chưa thể tiếp cận các chính sách khích lệ, động viên, kích thích sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp trẻ một cách đơn giản. Ðây cũng là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp non trẻ dù có năng lực, bảo đảm về nguồn vốn nhưng chưa thể phát triển như mong đợi. Nhận định về vấn đề này, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết: "Cộng đồng khởi nghiệp nói chung, doanh nhân trẻ nói riêng thật sự cần cơ chế riêng biệt với những chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhằm chung tay hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trẻ, Thành đoàn Hà Nội đã phác thảo đề án về một trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chuyên nghiệp, bài bản, dự kiến ra mắt trong thời gian không xa".