Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)

Sức sống của các chương trình Đại đoàn kết dân tộc

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức triển khai nhiều chương trình, cuộc vận động có sức sống, sự lan tỏa từ Trung ương đến cơ sở.
Đại diện MTTQ Việt Nam thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương trao quà tặng hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: KIM HÀ
Đại diện MTTQ Việt Nam thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương trao quà tặng hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: KIM HÀ

Một trong những cuộc vận động được triển khai bền bỉ nhiều năm qua là Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Với những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng quy mô cung - cầu của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ủy ban Trung ương MTTQ cho biết: Hiện nay, hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40% đến 50%).

Lắng nghe ý kiến để kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân là một trong những hoạt động trọng tâm của MTTQ các cấp trong thời gian qua. Tại tỉnh Cao Bằng, MTTQ huyện Nguyên Bình thực hiện tốt hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh với các cấp ủy, chính quyền. Nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri ngày càng được đổi mới, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính dân chủ, công khai, phát huy được quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức được 23 cuộc tiếp xúc cử tri với 1.115 cử tri tham dự, có 150 ý kiến, kiến nghị. Cấp xã, thị trấn tổ chức được 120 cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND xã, thị trấn với hơn 3.600 lượt cử tri tham dự, có 540 ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chế độ chính sách an sinh xã hội. Sau tiếp xúc, MTTQ tổng hợp và phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri với Đảng, chính quyền xem xét giải quyết. Anh La Văn Dẻ, Trưởng xóm Khuổi Hoa, xã Hoa Thám chia sẻ: “Trước kia, hệ thống đường trong xóm là đường mòn, độ dốc lớn, trơn trượt. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri, tôi được tham gia và kiến nghị các cấp, các ngành đầu tư đường bê-tông vào xóm. Đến nay, đường vào xóm đã được bê-tông hóa”.

Tại tỉnh Bình Phước, mới đây, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan thành viên Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh kiểm tra, khảo sát thực tế các hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết tại xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, năm 2019, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Phước hỗ trợ xây dựng 300 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại 8 huyện, thị xã theo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, tường cứng, mái cứng); trị giá 60 triệu đồng/căn, trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Bình Phước. Tại huyện Bù Gia Mập hiện có 65 hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc đối tượng xóa nghèo trong năm 2019 theo chủ trương của tỉnh. Trong đó, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh hỗ trợ xây dựng 40 căn nhà cho hộ nghèo các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, Phú Nghĩa, Phú Văn, Đức Hạnh, Phước Minh. Số còn lại do các đoàn thể chính trị - xã hội huyện hỗ trợ.

Qua khảo sát thực tế tại xã Phước Minh, các đồng chí lãnh đạo MTTQ tỉnh thông báo tin vui: Các cấp chính quyền địa phương cần sớm hoàn tất thủ tục và các điều kiện bảo đảm việc xây dựng nhà đúng quy định. Trong tháng 9 năm nay, MTTQ tỉnh sẽ chuyển vốn về địa phương thực hiện xây dựng nhà cho các hộ nghèo.

Tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban MTTQ xã đã tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động cuộc vận động “Toàn dân hiến đất xây dựng nông thôn mới”, nhằm khơi dậy sự đồng thuận của người dân. Những hộ dân nào chưa thông, chưa muốn hiến đất, cán bộ MTTQ xã phối hợp với các đoàn thể, trưởng ban công tác mặt trận thôn xuống từng nhà vận động, thuyết phục. Từ cách làm việc gần dân, sát dân như vậy, toàn xã có 592 hộ tự nguyện hiến đất với tổng diện tích 30.661,4 m2, trong đó đất nông nghiệp 28.337,7 m2, đất ở 2.323,7 m2. Thành công từ cuộc vận động “Toàn dân hiến đất xây dựng nông thôn mới” trở thành động lực để Ủy ban MTTQ xã cùng các đoàn thể phát động tiếp phong trào “Cứng hóa đường giao thông nông thôn trong khu dân cư”. Trong đó, Ủy ban MTTQ xã đã vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công đổ bê-tông và rải nhựa toàn bộ các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; đồng thời viết thư kêu gọi con em xa quê thành đạt ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Tổng số tiền huy động từ sức dân là hơn 12 tỷ đồng, chiếm 19,74% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của toàn xã.

Có thể thấy, các chương trình hoạt động, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động đã và đang thu hút sự tham gia tích cực của người dân ở khắp mọi miền đất nước. Những điển hình nêu trên nằm trong số rất nhiều mô hình tiêu biểu đã chứng minh rõ nét kết quả thực hiện các chương trình, các cuộc vận động trong nhân dân. Qua đó, làm toát lên tinh thần đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.