Quảng Trị chú trọng thực hiện cải cách tư pháp

Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 của Bộ Chính trị ban hành ngày 2-6-2005 đang được các cơ quan tư pháp khẩn trương rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra để thực hiện một cách triệt để. Thực tiễn từ tòa án hai cấp tỉnh Quảng Trị những năm qua cho thấy, Nghị quyết 49-NQ/TW đã thực sự tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên đối với vai trò của Tòa án nhân dân (TAND) trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

Nghị quyết 49-NQ/TW khẳng định: Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Với phương hướng xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Bám sát tinh thần này, ngay từ đầu, Thường trực Tỉnh ủy giao cho Tòa án chủ động trong việc chuẩn bị tổ chức hội nghị các cơ quan tư pháp từ cấp huyện đến tỉnh để triển khai nghị quyết. Đến giai đoạn sơ kết Nghị quyết 49, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp tục giao cho TAND tỉnh Quảng Trị tổng hợp và xây dựng Báo cáo sơ kết công tác CCTP trên địa bàn. Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016 - 2021. Ban chỉ đạo CCTP tỉnh được thành lập và đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy là Trưởng ban. Công tác chỉ đạo hoạt động tư pháp và CCTP được tiến hành bài bản, thường xuyên và sâu sát hơn. Nhận thức về vị trí vai trò, trách nhiệm, vinh dự và uy tín xã hội của thẩm phán được nâng lên thông qua quy trình bổ nhiệm thẩm phán bằng quyết định của Chủ tịch nước.

Thời gian qua, xuất phát từ thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của tòa án, đồng thời chú trọng thực hiện các Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014, các chánh án tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh đều được giới thiệu bầu tham gia cấp ủy, chỉ riêng một trường hợp chánh án huyện do bổ nhiệm sau đại hội nên không tham gia được. Sự tham gia của chánh án trong cấp ủy góp phần tích cực trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp, giúp hoạt động xét xử đúng pháp luật, giữ gìn tốt an ninh, trật tự trên địa bàn để ổn định và phát triển.

Phần lớn các tòa án trên địa bàn đều được hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân hai cấp bố trí diện tích đất rộng rãi để đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở tòa án khang trang, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu CCTP. Nhằm nâng cao trách nhiệm và động viên kịp thời lực lượng Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND năm 2012, hằng năm hỗ trợ cho lực lượng Hội thẩm nhân dân khoản kinh phí hơn 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để nâng cao năng lực xét xử của hội thẩm. Đối với một tỉnh nghèo như Quảng Trị thì đây là sự quan tâm đáng ghi nhận. Để thực hiện chủ trương của Ban Cán sự đảng TAND tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về triển khai phiên tòa truyền hình trực tuyến từ phòng xét xử, UBND tỉnh hỗ trợ Tòa án và Viện Kiểm sát tỉnh hơn 1,7 tỷ đồng và hỗ trợ kỹ thuật để nối mạng trực tuyến đến 23 điểm cầu nhằm từng bước hiện đại hóa hoạt động xét xử, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa.

Ngoài ra, chính quyền địa phương hai cấp còn hỗ trợ thêm cho các tòa án cũng như các đoàn hội thẩm kinh phí đột xuất để tổ chức các phiên tòa lưu động, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm xét xử của hội thẩm. Công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong hoạt động xét xử, từ khâu theo dõi phiên tòa bằng hệ thống ca-mê-ra an ninh, công bố bản án trên cổng thông tin điện tử, thụ lý phân công án ngẫu nhiên, thiết lập Thông tin điện tử, lập biên bản phiên tòa, công bố tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh, thông báo tìm kiếm tố tụng... đều được thực hiện bằng thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao tính chính xác và nhanh nhạy trong hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, sự chuẩn hóa dần tiêu chuẩn các chức danh tư pháp trong hệ thống tòa án hai cấp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử, bản lĩnh và đạo đức của người cán bộ tòa án.

Có thể thấy rằng, Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW về CCTP là những định hướng hết sức đúng đắn và phù hợp thực tiễn để xây dựng Nhà nước pháp quyền với thể chế chính trị của đất nước ta hiện nay. Để tránh sự lạm dụng quyền lực nhà nước phân công, cần xây dựng các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp đủ mạnh và cân bằng về quyền lực chế ước lẫn nhau, ngăn chặn tha hóa quyền lực. Cần thiết phải xây dựng các cơ quan tư pháp đủ mạnh, trong đó tòa án là trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp như Nghị quyết 49-NQ/TW đã khẳng định. Tiếp tục có nghị quyết về CCTP trong giai đoạn mới để thực hiện tiếp những mục tiêu, phương hướng rất đúng đắn mà Nghị quyết 49-NQ/TW đề ra nhưng chưa thực hiện được. Với xu thế phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ, phương tiện giao thông đa dạng, khoảng cách địa lý không phải là trở ngại lớn, do đó cần thiết lập các tòa án khu vực bằng ghép các tòa án huyện, để tiết kiệm kinh phí trụ sở, tập trung nhân lực, tạo quy mô bề thế cho tòa sơ thẩm khu vực. Tập trung nghiên cứu về tính hợp lý và tổng kết hoạt động của Tòa cấp cao khu vực để có báo cáo với Đảng và Nhà nước về mô hình tổ chức Tòa này.

Tỷ lệ giải quyết án năm 2019 đến thời điểm này là 97,8%, hủy là 0,3%, sửa là 0,6% thấp hơn nhiều chỉ tiêu thi đua (hủy dưới 1,16%; sửa dưới 4,2%). Tỷ lệ đối thoại thành trong án hành chính đạt 16,1%; trong giải quyết án dân sự hòa giải thành đạt 36,2%, hòa giải thành trong hôn nhân gia đình 9,1%.