Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng NTM rộng khắp các vùng nông thôn. Đời sống của người dân được cải thiện; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Những kết quả nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của nông dân, những “chủ thể” quan trọng của chương trình xây dựng NTM tại Quảng Ninh.
Thu hoạch chè ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).
Thu hoạch chè ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Với quan điểm xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, trong đó xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn sửa đổi và bổ sung các quy định, bộ tiêu chí, cơ chế quản lý, đồng thời sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, coi trọng công tác quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Thực tế cho thấy nhiều địa phương ở Quảng Ninh khi bắt tay vào xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội và xuất phát điểm thấp; thậm chí còn nhiều xã đặc biệt khó khăn, thuộc diện hỗ trợ của Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (135) như xã Minh Cầm, xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), xã Tình Húc (huyện Bình Liêu), xã Hải Sơn (TP Móng Cái)… Nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của người dân các địa phương này đã cán đích NTM. Đáng chú ý, huyện đảo Cô Tô rất khó khăn về điện và giao thông nhưng lại là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM từ năm 2015.

Xóm Họ Đặng, thôn Pò Hèn được xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái lựa chọn xây dựng điểm về thôn kiểu mẫu theo chủ trương của TP Móng Cái là đưa xã trở thành điểm du lịch cộng đồng. Ngay từ khi triển khai thực hiện, xã Hải Sơn tập trung tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, nếp sinh hoạt, vệ sinh môi trường; mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh,... Từ một khu dân cư hẻo lánh, đến nay, xóm Họ Đặng đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tuyến du lịch trải nghiệm của TP Móng Cái.

Gia đình ông Đặng Văn Chiến, ở xóm Họ Đặng là một trong những hộ dân tiên phong của xã xây dựng vườn mẫu, hộ mẫu NTM. Ông Chiến chia sẻ, từ năm 2016, gia đình ông đã tích cực chỉnh trang, quy hoạch lại khu vườn rộng hơn 1.000 m2 của gia đình để trồng cây trà hoa vàng và một số loại cây ăn quả như mít, ổi kết hợp chăn nuôi lợn, gà theo mô hình kinh tế gia trại. Nhờ tích cực lao động và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, bước đầu gia đình đã xây dựng một khu vườn mẫu cho thu nhập ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm huy động sức dân để lo cho dân, rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ và rõ kết quả, xã Việt Dân ở thị xã Đông Triều đã nỗ lực xây dựng thành công NTM kiểu mẫu,từng bước nâng cao đời sống vật chất của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân Nguyễn Ngọc Tiên cho biết, kết quả này có được là nhờ sự quyết tâm, chung sức đồng lòng từ cán bộ đến người dân, sự chỉ đạo thông suốt từ xã đến thôn, khơi dậy được sự đoàn kết, tự nguyện tích cực của bà con. Một khi người dân đã đồng thuận thì sức dân là rất lớn. Người dân nơi đây còn phát huy hiệu quả các tổ đoàn kết liên gia, liên kết, tự hòa giải, xây dựng các xóm mẫu, hộ mẫu, tuyến đường mẫu, đóng góp cơ sở vật chất xây dựng nhà văn hóa thôn.

Sau khi được công nhận hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2013, xã Việt Dân tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu. Vốn là xã nông nghiệp miền núi, Việt Dân chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với 300 ha trồng lúa chất lượng cao, 200 ha trồng cây na dai, 45 ha cây có múi như cam canh, bưởi diễn, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu. Từ mức thu nhập bình quân đầu người hơn 27 triệu đồng/năm vào năm 2013, đến nay đã tăng lên hơn 55 triệu đồng/năm,toàn xã không còn hộ nghèo.

Việc huy động sự tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, cây cối hoa màu... của người dân để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh ở các địa phương trong tỉnh ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn được đẩy mạnh. Mô hình kinh tế hợp tác đã tạo những chuyển biến tích cực, nhiều hợp tác xã được thành lập và hoạt động bước đầu có hiệu quả. Hàng trăm tuyến đường thôn, ngõ xóm được chỉnh trang, rải bê-tông, rãnh thoát nước hai bên đường, lề đường xóm được tôn tạo, nhiều tuyến đường được trồng cây xanh, cây cảnh, hoa.

Tại huyện Hải Hà, 71 thôn, bản và 347 vườn đang xây dựng nông thôn chuẩn, vườn chuẩn và một cánh đồng mẫu trồng chè; môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt. Ý thức của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều thôn, bản làng, vùng nông thôn đã trở thành những miền quê đáng sống với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 44 triệu đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Hoàng Văn Thái cho biết, phấn đấu đến hết năm 2020 toàn huyện có tất cả 15 xã đạt chuẩn NTM và huyện đạt NTM vào năm 2021, trong đó có 95 thôn chuẩn và một nghìn vườn đạt chuẩn.

Qua 10 năm xây dựng NTM, đến nay, thu nhập của người dân khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh đã đạt gần 42 triệu đồng/người/năm, tăng gần bốn lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo phấn đấu hết năm 2019 giảm còn 1%; bộ mặt vùng nông thôn thật sự thay đổi rất nhiều về hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, các công trình thiết yếu phục vụ giáo dục, y tế, xử lý môi trường nông thôn được đầu tư mạnh mẽ và ngày càng phát huy hiệu quả.

Xác định xây dựng NTM thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nên cách làm của tỉnh Quảng Ninh cũng linh hoạt, không bị gò bó, trói mình trong một khuôn mẫu, mô hình cụ thể.

Luôn xác định vai trò người nông dân là chủ thể trong xây dựng NTM, bằng những chương trình cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ, cổ vũ người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Chương trình liên kết “bốn nhà” gồm nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước được coi là “chìa khóa” để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo lực đẩy để đưa lộ trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiến nhanh hơn, vững chắc hơn. Sự gắn bó của bốn nhà này càng hiệu quả, càng chuyên nghiệp thì sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuyên môn hóa cao, tăng giá trị hàng hóa nông sản.

Đây là một cách làm mới, góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế, tập quán sản xuất, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, hướng tới mục tiêu đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống” và “nơi muốn sống”.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn và cách làm sáng tạo, chủ động đã giúp tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả việc xây dựng NTM, nông thôn kiểu mẫu. Với Quảng Ninh thì các tiêu chí xây dựng NTM không phải là mục tiêu hàng đầu mà quan trọng là phát huy và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, trong đó đặc biệt xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là chiến lược phát triển của tỉnh với mục tiêu cao nhất là nông thôn Quảng Ninh phát triển bền vững, nông dân Quảng Ninh thật sự được hưởng những thành quả mà NTM đem lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định: tỉnh quyết tâm đến hết năm 2020 sẽ có ít nhất 90 xã đạt chuẩn xây dựng NTM và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, tiến tới NTM kiểu mẫu; phấn đấu có sáu huyện đạt tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%. Đến nay, phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh Quảng Ninh ngày càng đi vào cuộc sống, nhân dân tin tưởng hưởng ứng thực hiện.