Phát triển các khu kinh tế - quốc phòng nơi biên giới (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Nâng cao hiệu quả các mô hình

Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP) ở địa bàn chiến lược trên tuyến biên giới là yêu cầu cấp thiết cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hơn nữa. Thực tiễn đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các cấp, các ngành, địa phương phải chung tay xây dựng mô hình này vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại diện Đoàn KT-QP 5 (Quân khu 4) trao bò giống tặng nhân dân xã miền núi cao Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Đại diện Đoàn KT-QP 5 (Quân khu 4) trao bò giống tặng nhân dân xã miền núi cao Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Nhiều khó khăn khi triển khai các dự án 

Đại tá Nguyễn Tiến Thép, Đoàn trưởng KT-QP 327 (Quân khu 3) chia sẻ, do nguồn vốn bảo đảm còn ít, nên việc triển khai thực hiện mục tiêu giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở một số địa bàn vùng biên giới hiệu quả chưa cao. Cụ thể, như việc giúp 14 hộ dân ở khu giãn dân ở Hang Vây, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) của Lâm trường 103 (Đoàn KT-QP 327), được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng do không có nguồn vốn hỗ trợ, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nên đến nay chỉ còn vài hộ dân bám trụ lại. Hay như ở khu dân cư Trình Tường, thuộc bản Pắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), cũng do không có nguồn vốn hỗ trợ, cho nên việc giúp đỡ người dân chỉ dừng lại là phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân ăn, ở hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục. Vì vậy, đến nay toàn bộ 13 hộ ở khu dân cư Trình Tường vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Đại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng KT-QP 207 (Quân khu 5), cho rằng: Tổ chức xây dựng khu KT-QP còn manh mún, thiếu tập trung nguồn lực đầu tư; nguồn kinh phí trên cấp không đáp ứng so nhu cầu. Hơn nữa, khu KT-QP địa hình phức tạp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, tập quán sản xuất của người dân chưa thay đổi nên công tác vận động còn khó khăn. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số địa phương triển khai chưa tốt, thiếu sáng tạo, linh hoạt; chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho rằng, những năm qua, một số đoàn KT-QP chỉ tập trung phát triển kinh tế đơn thuần, chưa chú ý đến nhiệm vụ dân vận và tổ chức sản xuất cho nhân dân. “Thực tế, ở đâu, đơn vị nào làm nhiệm vụ chỉ nghĩ đến kinh tế đơn thuần thì ở đó không thành công. Bởi vì, việc khẳng định chủ quyền biên giới không ai bằng người dân, bắt đầu từ ngôi nhà, mảnh vườn, nương rẫy…, nhưng họ chỉ vững vàng bám trụ nơi biên giới khi có bộ đội đứng chân trên địa bàn” - Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhấn mạnh. 

Đoàn KT- QP 959 (Quân khu 9) được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập để làm chủ đầu tư xây dựng khu KT-QP trên địa bàn huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Đại tá, Đoàn trưởng Bùi Duy Quân cho biết: Qua gần 20 năm thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ không ngại khó, ngại khổ, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao... Tuy nhiên, khu KT-QP Tân Hồng là địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; còn nhiều lao động phổ thông không có việc làm phải rời quê hương đi làm ăn xa ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn ngân sách chậm, vốn lồng ghép của địa phương hạn chế, đội ngũ cán bộ có độ tuổi trung bình cao, cán bộ có chuyên môn về quản lý dự án rất ít. Do vậy, thời gian tới cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 và các ban, ngành của tỉnh trong xây dựng, triển khai từng giai đoạn khu KT-QP, có giải pháp kịp thời quyết định các nguồn vốn của dự án… Chính phủ, Bộ Quốc phòng cần ưu tiên mở mới dự án đầu tư xây dựng công trình (giai đoạn 2) và bố trí tăng vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho khu KT-QP. Cấp phương tiện, trang bị cho Đoàn KT-QP; có chính sách tuyển dụng vào biên chế đối với trí thức trẻ tình nguyện có ngành nghề và phẩm chất đạo đức phù hợp. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp 

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả xây dựng khu KT-QP, “các đơn vị làm nhiệm vụ KT-QP phải xác định lo cho dân trong vùng dự án ổn định cuộc sống là trước hết”. Bởi, nếu đời sống người dân được cải thiện, ấm no, thì họ càng yên tâm làm ăn và phối hợp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Vì vậy, khi chọn cán bộ đoàn KT-QP cần chọn những người không chỉ có kiến thức quân sự, mà còn phải biết làm kinh tế, tâm huyết với nhiệm vụ, hiểu dân và biết lo cho nhân dân. 

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho rằng, đoàn KT-QP là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu KT-QP, có ba chức năng, nhiệm vụ, nhưng để làm được phải có đội ngũ cán bộ tâm huyết, sáng tạo, vô tư; nội bộ đơn vị phải đoàn kết, trong sáng, có tầm nhìn. Do vậy, việc chọn cán bộ là khâu quan trọng nhất. Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cần có chính sách đãi ngộ thiết thực để đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ yên tâm gắn bó lâu dài với vùng đất biên giới. Đồng thời, đội ngũ cán bộ các đoàn KT-QP phải nghiên cứu kỹ, am hiểu phong tục, tập quán, tiếng dân tộc, “nắm rõ từ ngõ ngách trong bản, tính tình của trưởng bản” đến hoàn cảnh của các gia đình trong bản thì công tác dân vận mới hiệu quả. Vì thế, cán bộ đoàn phải ổn định lâu dài, có thâm niên lâu năm, gắn bó với địa bàn.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cần tạo điều kiện cho các đoàn KT-QP làm các dự án vừa và nhỏ, gắn với người dân; tạo nguồn kinh phí để khám, chữa bệnh cho nhân dân... Bởi, nếu làm công tác dân vận “suông” (xuống với dân chỉ hỏi thăm) sẽ rất khó đi vào lòng dân; đồng thời phải có cơ quan chức năng bám sát, kiểm tra các đoàn KT-QP để tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng định hướng phát triển. Cơ quan Bộ Quốc phòng phải tạo điều kiện, kết nối các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông, khuyến công; dự án gắn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đánh giá đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán, trình độ canh tác, điều kiện bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa đưa các chương trình, dự án đó vào các đoàn KT-QP sao cho thiết thực, hiệu quả. Nói như Đại tá GS,TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Cục trưởng Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: “Phải kết hợp giữa hoạt động kinh tế với hoạt động quốc phòng sao cho nhuần nhuyễn, linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Tại các địa bàn biên giới, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề rất đáng quan tâm. Mỗi địa phương, mỗi đoàn KT-QP cần nghiên cứu, áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các gia đình quân nhân, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đã trải qua quá trình công tác tại các đoàn KT-QP nếu có nguyện vọng ở lại sinh sống tại địa bàn. Đây sẽ là lực lượng có bản lĩnh chính trị, có tư duy kinh tế... làm nòng cốt cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa học tập, làm theo. Ngoài ra, các đoàn KT-QP cần xây dựng, hoàn thiện và phát huy tốt mô hình “dịch vụ hai đầu” (thu mua, chế biến nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân) trong vùng dự án... 

Ngày 24-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/QĐ-TTg về điều chỉnh quy hoạch các khu KT-QP đến năm 2025, với mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án; góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh; hình thành các cụm làng, xã biên giới; tạo vành đai biên giới biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. 

Thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển khu KT-QP theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định. Chấn chỉnh toàn diện nhận thức, hành động của các cơ quan, đơn vị về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển khu KT-QP theo đúng định hướng tại các nghị quyết của Quân ủy T.Ư; nghị định và quyết định của Chính phủ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các đoàn KT-QP phối hợp chặt chẽ các địa phương và các bộ, ngành liên quan, tiếp tục triển khai theo phân kỳ và tiến độ điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung ưu tiên triển khai các khu KT-QP khu vực ven biển; xây dựng cơ chế chính sách mới, Nghị định thay thế Nghị định số 44 về xây dựng khu KT-QP. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Bộ Quốc phòng nhằm xác định rõ vai trò cơ quan quản lý ngành, cơ quan tổng hợp trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng khu KT-QP. Sắp xếp, tổ chức, biên chế của đoàn KT-QP theo hướng giảm trung gian, giảm biên chế, tăng cường quân số cho các đơn vị, các đội sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ kỹ thuật, cán bộ là người dân tộc ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện. Xác định rõ vai trò của các quân khu, binh đoàn, công ty trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động xây dựng khu KT-QP…, phát huy vai trò xung kích của các đơn vị KT-QP trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vừa làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa củng cố và phát huy hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân, góp phần xây dựng các khu KT-QP ngày càng phát triển.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng các khu KT-QP; phối hợp với các nước có chung đường biên giới, nhằm mục tiêu xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện; thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13-10-2020.