Phát triển các khu kinh tế - quốc phòng nơi biên giới

Bài 2: Điểm tựa, niềm tin của người dân 

Vượt lên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ các đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) trong toàn quân nỗ lực xây dựng các khu KT-QP từng bước trở thành điểm sáng về công tác vận động quần chúng. Đây là điểm tựa, niềm tin để người dân biên giới vươn lên xóa đói, giảm nghèo, gắn củng cố quốc phòng, an ninh ngày càng vững chắc.

Cán bộ lâm trường 103, Đoàn KT-QP 327 (Quân khu 3) hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè cho người dân vùng dự án.
Cán bộ lâm trường 103, Đoàn KT-QP 327 (Quân khu 3) hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè cho người dân vùng dự án.

Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin

Chúng tôi gặp Ðại tá Nguyễn Thanh Tùng, Ðoàn trưởng KT - QP 326 (Quân khu 2). Dáng người nhỏ thó, nhưng rắn chắc, khỏe khoắn; đầu đội mũ cối, anh Tùng thoăn thoắt lội qua khe, qua suối, vượt đèo, dốc... để đến với đồng bào. Chỉ trong gần ba năm làm Ðoàn trưởng, anh đã đi hầu khắp các bản, làng trong địa bàn khu KT-QP. Ðại tá Tùng cho biết: Cán bộ làm dân vận mà lúc nào cũng mũ cao, áo dài; xưng hô trịnh trọng thì không bao giờ thu được kết quả. Dân vận phải hiểu biết ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào; tiến hành ở bất cứ nơi nào có thể. Bên bếp lửa, lúc trên nương, khi dưới ruộng, cũng có lúc rỉ rả suốt đêm thâu bên chén rượu nồng. Lời lẽ phải chân thành, ấm áp. "Mình mang tấm lòng đến với đồng bào thì đồng bào cũng cởi mở trao tấm lòng cho mình thôi" - Ðại tá Tùng khẳng định.

Chúng tôi cùng anh Tùng đến bản Pá Khoang, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Trưởng bản Pá Khoang, Sồng A Dua năm nay vừa tròn 30 tuổi, ra tận đầu bản đón đoàn (Pá Khoang là bản giáp biên giới, có 48 hộ, với 312 nhân khẩu, 100% là người dân tộc H’Mông, bản chưa có điện lưới quốc gia). Cuộc đối thoại giữa Ðoàn trưởng và Trưởng bản diễn ra: "... Bản của cái mày còn bao nhiêu hộ nghèo?". "- 20 hộ nghèo!". "Không phải mùa làm nương, bà con trong bản làm gì?" - "Bọn con gái thì may vá, chăn nuôi; bọn con trai đi rừng lấy thuốc bán cho người Kinh ở dưới xuôi!". "Sao cái mày không bảo bà con mang cây thuốc về trồng ở bản, sau này rừng hết cây thuốc lấy đâu ra mà bán?"- "Cây thuốc mọc ở rừng sâu, mang về đây trồng có mọc được không?", Trưởng bản Dua hỏi lại. "Cái tao cho bộ đội mang cây thuốc về trồng ở từng nhà; cái mày phải bảo bà con chăm sóc thật tốt, cây nào chết phải đền; sau này bán thuốc, bộ đội không lấy tiền, nhiều tiền rồi thì cái mày phải mời một bữa rượu thật no, có được không?". - Ðược chớ ! - "Bản ta sẽ mời bộ đội một bữa rượu thật no, đến khi cái chân bộ đội không còn bước qua được con dốc đằng kia nữa"... Hai người nắm chặt tay nhau thay lời giao ước. Tiếng cười giòn tan, vang xa tận những cánh rừng nơi cuối trời.

Vận động để dân tin và làm theo không chỉ bằng lời nói mà bà con phải được nhìn thấy, sờ thấy, được nếm thử, được hưởng thành quả... từ chính sản phẩm do mình làm ra. Do đó, tất cả các đoàn KT-QP trong toàn quân đều xây dựng mô hình thực nghiệm, trước khi chuyển giao đến mỗi hộ gia đình. Ðại tá Thiều Ngọc Vy, Chính ủy Ðoàn KT-QP 5 (Quân khu 4) cho biết: Tùy vào diện tích của đơn vị, vườn thực nghiệm là nơi trồng các giống cây bản địa và các loại cây có giá trị kinh tế cao ở các địa phương khác, thậm chí cả của nước ngoài... Bộ đội làm trước, hoàn thiện quy trình trồng, chăm bón, thu hái, bảo quản và bán sản phẩm. Con vật được tiến hành nuôi thử nghiệm, phòng dịch bệnh, kiểm chứng năng suất, chất lượng nghiêm ngặt trước khi chuyển giao. Các đoàn KT-QP đã mày mò, nghiên cứu, áp dụng rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình mới, độc đáo..., áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Ghép nhiều gốc cây bản địa với một mầm cây lai; nuôi lợn, bò, dê theo phương pháp nhốt trên sàn gỗ; gà ăn thuốc nam; cá nuôi trong bể; trồng dược liệu dưới gốc sắn, dưới tán rừng... là những mô hình độc đáo, mang thương hiệu "Made in đoàn KT - QP".

Giúp nhân dân phát triển kinh tế với cải thiện môi trường, chất lượng sống luôn được các đoàn KT-QP quan tâm, thực hiện tốt. Bản Khe O, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là một thí dụ. Ở đây có 37 hộ gia đình là người dân tộc Dao sinh sống, trong đó có 20 hộ nuôi trâu, bò, với tổng đàn gần 100 con. Do thói quen nuôi thả, đến tối lùa về quanh nhà ở nên bản bị ô nhiễm nặng. Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156, Ðoàn KT- QP 327 (Quân khu 3), cho biết: Cuối năm 2019, bộ đội lâm trường đã vận động, hỗ trợ tiền và ngày công giúp nhân dân xây khu chuồng nuôi tập trung gồm 20 gian, mỗi gian diện tích 15 m2. "Nếu không có bộ đội lâm trường giúp đỡ, chưa biết đến khi nào dân bản Khe O mới có được khu chăn nuôi kiên cố, rộng rãi thế này. Từ ngày trâu, bò về "nhà mới" sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Dân bản biết ơn bộ đội lâm trường nhiều lắm!" - Trưởng bản Choỏng Quay Sinh, hồ hởi nói.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Ðoàn KT-QP 326 (Quân khu 2), được giao đảm nhiệm xây dựng khu KT - QP Sông Mã, trải rộng trên địa bàn 15 xã của ba huyện: Sốp Cộp (Sơn La); Ðiện Biên và Ðiện Biên Ðông (Ðiện Biên), tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào. Ðại tá Trần Văn Chanh, Chính ủy Ðoàn, cho biết: Những năm qua, Ðoàn triển khai nhiều chương trình, dự án giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Việc đưa lao động địa phương đi làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) ở miền xuôi là một thí dụ. Thiếu tá Lê Văn Hợi, Trưởng ban Dân vận Ðoàn KT-QP 326, nguyên Chính trị viên Ðội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 7, là người đề xuất cách làm sáng tạo nêu trên, chia sẻ: Nhà tôi ở gần KCN Phố Nối A (Hưng Yên), các doanh nghiệp ở đây rất thiếu lao động. Trong khi đó, địa phương nơi đơn vị tôi đóng quân, đời sống người dân còn khó khăn, nhiều thanh niên không có việc làm, rất dễ nảy sinh tệ nạn. Ðầu năm 2018, tôi đề xuất ý tưởng với Ðội về việc này và báo cáo lãnh đạo, chỉ huy Ðoàn 326 và được cấp trên đồng ý. "Lúc đầu, bà con e ngại lắm. Thậm chí, có gia đình còn sợ người thân bị lừa bán ra nước ngoài...". Anh em trong Ðội phải đến từng hộ gặp gỡ, tuyên truyền; kết hợp các trưởng bản cùng tham gia vận động. Ðến cuối tháng 5-2018, em Giàng Thị Sộng và Giàng Thị Chia, là hai người đầu tiên của bản Sam Quảng đăng ký và được nhận làm công nhân Công ty May xuất nhập khẩu Yên Mỹ, ở KCN Phố Nối A. Trước khi đi, Ðoàn ứng cho mỗi cháu vay hai triệu đồng và hỗ trợ 500 nghìn đồng/người để trang trải sinh hoạt ban đầu. Với cách làm này, sau hai tháng, Ðội 7 vận động được 10 người ở bản Sam Quảng đi lao động ở KCN. "Gia đình cháu rất khó khăn, được các chú bộ đội giúp đỡ, giới thiệu việc làm để tăng thu nhập, cháu và gia đình biết ơn các chú bộ đội Ðội 7 và Ðoàn KT-QP 326 rất nhiều...!" - em Giàng Thị Sộng tâm sự. Từ đó đến nay, Ðoàn KT-QP 326 đã tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho hơn 200 thanh niên ở các bản vùng cao biên giới trong vùng dự án đi tham gia lao động ở các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội..., với mức thu nhập bình quân từ sáu đến tám triệu đồng/người/tháng.

Ðoàn KT-QP 959 (Quân khu 9) làm nhiệm vụ trong khu KT-QP Tân Hồng (Ðồng Tháp), phạm vi gồm chín xã và một thị trấn thuộc huyện Tân Hồng, một xã thuộc huyện Tam Nông, tiếp giáp nước bạn Cam-pu-chia. Những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song Ðoàn 959 đã hoàn thành nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã An Phước, huyện Tân Hồng, cho biết, thời gian qua, Ðoàn KT-QP 959 triển khai hiệu quả nhiều dự án trên địa bàn. Mô hình "Hỗ trợ đê bao khép kín chuyển dịch cơ cấu cây trồng" rất thiết thực, giúp nhiều hộ dân tăng năng suất lúa. Ngoài ra còn có mô hình nuôi bò lai sind cho hộ gia đình (đơn vị hỗ trợ con giống cho 10 hộ dân kết hợp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò). Bò lai sind F1, có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, phòng bệnh, dễ tiêu thụ và giá thành cao. Bò của 10 hộ được Ðoàn đầu tư đều sinh trưởng tốt, cho thu nhập ổn định. Ước tính tổng đàn bò hiện nay của toàn xã có 784 con, tỷ lệ bò lai đạt hơn 70%. Nhiều hộ gia đình trong hai năm đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Ðoàn KT-QP 207 (Quân khu 5) đóng quân tại ba huyện: Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn (Quảng Nam), bên dải Trường Sơn hùng vĩ. Cộng đồng dân tộc Cơ-Tu, Tà Riềng, Ve, B.Nông... (chiếm hơn 95%), một lòng theo Ðảng, Bác Hồ đã lập nên những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều năm qua, Ðoàn đã giúp đồng bào nơi đây thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen đốt nương làm rẫy, từ bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng phát triển kinh tế. Ðại tá, Ðoàn trưởng Văn Phú Diệp, cho biết: Hiện nay Ðoàn duy trì tốt các trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, thu hút lao động địa phương, đối tượng chính sách vào làm việc với mức lương ổn định.

Em Zơ Râm Thị May (dân tộc Tà Riềng) bị khuyết tật bẩm sinh được nhận vào làm việc tại trại chăn nuôi bò, xúc động chia sẻ: "Sức khỏe của em không tốt, em nghĩ sẽ cả đời nhờ vào người thân. Ðược nhận vào làm việc, có lương, em mừng lắm, cảm ơn các chú, các anh bộ đội nhiều lắm". Ðoàn 207 còn hình thành được mô hình "dịch vụ hai đầu" (thu mua và bán hàng hóa của dân, cung cấp nông cụ, vật tư thiết yếu phục vụ nhân dân) khá hoàn chỉnh. Bí thư Huyện ủy Nam Giang Chơ Rum Nhiên, tâm đắc: "Ðoàn KT-QP 207 có nhiều việc làm giúp bà con xóa nghèo bền vững. Tiêu biểu là thực hiện liên kết "ba trong một": Sản xuất chăn nuôi tập trung, phát triển kinh tế vệ tinh, nhân rộng mô hình giảm nghèo; tạo ra các mô hình mẫu như: trồng lúa nước hai vụ, trồng sắn cao sản, ngô lai, chăn nuôi bò theo nhóm hộ… Kinh tế khá hơn, người dân tham gia tích cực với chính quyền và bộ đội trong bảo vệ quê hương".

Với vai trò là "bà đỡ", các đoàn KT-QP đã nỗ lực tham mưu, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, chính trị - xã hội, xóa "bản trắng" đảng viên, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực biên giới. Sự nghiệp xây dựng biên giới là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài; cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành; mọi lực lượng, mỗi người dân. Trong đó, nhân dân là chủ thể, cấp ủy chính quyền địa phương phải tổ chức, thực thi chính sách. Chỉ khi, mỗi nếp nhà no ấm, mỗi bản làng yên vui, mỗi cánh rừng biên giới an toàn thì người dân sẽ thật sự gắn bó, tự nguyện làm "chiến sĩ", làm "cột mốc sống" bảo vệ bản làng, giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Kinh tế (Bộ Quốc phòng), cho biết: 10 năm qua (từ 2010 đến 2020), các đoàn KT-QP trong toàn quân đã hoàn thành xây dựng 202 tuyến đường giao thông các loại, với tổng chiều dài 2.421,6 km, 134 cầu bê-tông và cầu treo độc lập; 29.366 m2 nhà lớp học; 52 công trình cấp điện; 86 công trình cấp nước tập trung. Đồng thời, phối hợp các địa phương bố trí lại dân cư tại 536 bản, điểm dân cư mới trên tuyến biên giới; xây dựng 58 trạm và 12 bệnh xá quân dân y; 200 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, cùng nhiều công trình khác đã và đang thi công.

(Còn nữa)

Bài 1: Những người lính ngày đầu đi “mở đất”