Phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc ở Bình Liêu

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, chính sách phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Bình Liêu được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 96% dân số là đồng bào DTTS, xác định rõ việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả khá rõ rệt.

Vốn là huyện còn nhiều khó khăn, cho nên việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bình Liêu coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, lồng ghép triển khai hiệu quả nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn. Từ hiệu quả của việc triển khai các Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS đã tác động tích cực, làm chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức cho người dân và là động lực để nhiều hộ gia đình đồng bào tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Từ năm 2014 đến nay, huyện Bình Liêu tập trung đầu tư hỗ trợ các dự án thuộc Chương trình 135 với tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 202 công trình thuộc sáu xã đặc biệt khó khăn và một xã khu vực II biên giới trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư 92 dự án phát triển sản xuất và hỗ trợ đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng, cán bộ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Đến nay, toàn huyện Bình Liêu có hai xã đã hoàn thành Chương trình 135. Mục tiêu của huyện Bình Liêu trong năm 2019 phấn đấu tiếp tục đưa hai xã về đích nông thôn mới và đưa năm xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135.

Với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, cùng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh lên đến hơn 154 tỷ đồng cho Chương trình 135 và 15 tỷ 835 triệu đồng cho chương trình nông thôn mới, huyện đã phân bổ vốn để thực hiện và triển khai nhiều mô hình phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS có thêm vốn, tư liệu sản xuất cũng như được trang bị kiến thức để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của bà con đã được hình thành, phát triển như mô hình nuôi gà, dê, trâu, bò, ong mật, các mô hình phát triển vùng trồng rau an toàn, mô hình trồng cây ăn quả như ổi, cam, thanh long... mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Là hộ nghèo của xã Lục Hồn, trước đây gia đình bà Hoàng Thị Xuân kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào lúa, thu nhập không đáng kể. Năm 2017, qua tìm hiểu được biết đến mô hình nuôi gà thả đồi, bà Xuân đã bàn với chồng mạnh dạn vay vốn đầu tư mua 200 con gà để phát triển kinh tế. Lứa gà đầu tiên của gia đình nuôi thành công, bà làm đơn xin vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô, đồng thời trồng rau sạch, măng tây, nuôi lợn… Đến nay, kinh tế gia đình bà dần ổn định, trừ chi phí ban đầu, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng từ các mô hình nêu trên.

Ngoài những chính sách nêu trên, chương trình chung tay vì cộng đồng, bò giống giúp người nghèo biên giới tỉnh Quảng Ninh của Viettel đã hỗ trợ 901 con bò giống cho 901 hộ nghèo trên địa bàn sáu xã biên giới; từ các nguồn vận động xã hội hóa, sự ủng hộ của các đơn vị tài trợ, hỗ trợ 1.650 tấn xi-măng cho hộ nghèo, cận nghèo cải thiện nhà ở, vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi.

Nhận thức được vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm động viên, phát huy vai trò người có uy tín. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm và tặng quà, tổ chức các đợt tập huấn, gặp mặt, tham quan, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ những người có uy tín. Đồng thời, lựa chọn các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham dự các hội nghị, lễ tuyên dương, qua đó động viên người có uy tín phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Bà La Thị Nguyên, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Bản Chuồng cho biết: “Với vai trò là Trưởng ban công tác mặt trận thôn, người có uy tín ở thôn Bản Chuồng, tôi luôn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chấp hành quy ước, hương ước của địa phương và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ chính sách dân tộc vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: “Các chính sách đặc thù cho vùng DTTS được triển khai thực hiện thời gian qua đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng DTTS nói riêng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS nhằm tạo điều kiện để các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực, chủ động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS; chăm lo xây dựng và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao vị trí, vai trò người có uy tín trong cộng đồng...”.

Có thể nói, trong những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc đến với đồng bào. Nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách dân tộc được triển khai ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc vùng cao Bình Liêu ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đoàn kết gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới và chung tay xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.