Đời sống - xã hội

Niềm tin từ thành công đại hội cấp trên cơ sở tại Ninh Bình

Đến nay, tất cả các đảng bộ cấp trên cơ sở tại tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm trong tổ chức đại hội theo đúng quy trình, quy định Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của tỉnh mà còn thể hiện rõ tâm huyết, sáng tạo, khát vọng phát triển trong xây dựng Nghị quyết, chương trình hành động, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và niềm tin đối với nhân dân trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22.

Quang cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025.
Quang cảnh Đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chỉ đạo sát thực tiễn

Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ TP Ninh Bình, khóa 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025,  đến nay đã được cụ thể hóa thành chương trình hành động trên cơ sở 12 mục tiêu. Trọng tâm là: Phấn đấu xây dựng TP Ninh Bình trở thành đô thị loại 1, là thành phố du lịch văn minh, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/năm. Công tác xây dựng Đảng được xác định là khâu then chốt, Đảng bộ thành phố phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ kết nạp 650 đảng viên, 85% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có cơ sở đảng yếu kém. Đồng chí Lê Hữu Quý,  Bí thư Thành ủy TP Ninh Bình cho biết: TP Ninh Bình là đơn vị đầu tiên được tỉnh Ninh Bình lựa chọn tổ chức đại hội điểm cấp trên cơ sở. Thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Ninh Bình là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Ninh Bình; sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vất chất, văn kiện, nhân sự theo đúng quy trình, quy định Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của tỉnh. Đó là động lực tinh thần cổ vũ mạnh mẽ Đảng bộ, quân và dân thành phố tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức; tiếp tục đổi mới toàn diện, đưa Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố nhanh chóng đi vào cuộc sống. Rút kinh nghiệm từ đại hội điểm nêu trên, Tỉnh ủy Ninh Bình tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quy trình chuẩn bị đại hội cấp trên cơ sở bài bản hơn; tập trung làm tốt công tác định hướng chuẩn bị dự thảo văn kiện trình đại hội.

Đánh giá về chất lượng báo cáo chính trị của đại hội cấp trên cơ sở ở Ninh Bình cho thấy: Hầu hết báo cáo có kết cấu hợp lý, độ dài vừa phải, đánh giá đúng kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ trước, xác định rõ mục tiêu nghị quyết nhiệm kỳ tới. Nhiều báo cáo có bảng biểu số liệu minh họa bằng phụ lục để đại biểu dễ so sánh, làm bật kết quả đạt được. Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành tập trung đánh giá đúng tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành về thực hiện nhiệm vụ chính trị; chú trọng đánh giá sâu việc thực hiện các chủ đề, chương trình công tác hằng năm của Tỉnh ủy Ninh Bình; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quy chế  làm việc; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng, hoặc đi sâu phân tích ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, tự soi, tự sửa. Kiểm điểm làm rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, cấp ủy viên, người đứng đầu, từ đó chỉ ra nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm để khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Không chỉ đóng góp ý kiến tại đại hội, mà trước đó các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, trí thức, các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào: Văn kiện trình đại hội cấp trên cơ sở, văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Kế thừa và phát triển

Tỉnh ủy Ninh Bình đã tăng cường hướng dẫn các tiểu ban nhân sự ở các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc thực hiện đúng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn; tập trung rà soát đánh giá đúng thực trạng ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt, tạo cơ sở tham mưu cho tỉnh điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí sắp xếp nhân sự hợp lý một bước trước đại hội. Tổ chức xét duyệt nội dung đại hội, công tác nhân sự  theo phương châm kế thừa, phát triển, làm đến đâu chắc đến đó, nhất là đối với những đảng bộ có vấn đề nhân sự gặp khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Bùi Thiện Thi, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết: Trong công tác chuẩn bị nhân sự, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chú trọng đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công tác và uy tín của nhân sự trong cán bộ, đảng viên làm tiêu chí quan trọng. Do vậy, mặc dù đồng chí Bùi Thiện Thi mới được điều chuyển từ Bí thư Huyện ủy Yên Khánh về Huyện ủy Hoa Lư (đều thuộc Ninh Bình) trước đại hội Đảng bộ huyện Hoa Lư lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chỉ có gần bốn tháng, theo kế hoạch của Tỉnh ủy Ninh Bình về việc bố trí, sắp xếp các chức danh bí thư, chủ tịch không phải là người địa phương, khiến dư luận không khỏi băn khoăn khó mà bầu được vào cấp ủy. Song thực tế với sự năng động, sáng tạo và uy tín, đồng chí Bùi Thiện Thi vẫn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Hoa Lư khóa 23. 

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất cho biết: Công tác nhân sự đại hội cấp trên cơ sở được Tỉnh ủy quán triệt sâu sắc tới các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc theo quy trình năm bước, đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Có nghĩa là đối với nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy cũng áp dụng quy trình năm bước như nhân sự tái cử. Lựa chọn nhân sự tái cử trước, nếu thiếu sẽ bổ sung nhân sự tham gia lần đầu. Quy trình năm bước là điểm mới so với nhiệm kỳ trước của tỉnh. Đối với chủ trương bí thư, chủ tịch không phải là người địa phương, tỉnh mới bố trí được ở một số huyện, thành phố. Dự kiến sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 chủ trương nêu trên sẽ được tỉnh triển khai rõ nét hơn. 

Đáng nói hơn, đại hội cấp trên cơ sở tại Ninh Bình đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ trong Đảng, đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; thực hiện tốt phương châm kế thừa, phát triển. Tại đại hội, các đại biểu thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào văn kiện; công tâm lựa chọn nhân sự là những người có đức, có tài; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các trường hợp không đủ điều kiện; nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, ủy ban kiểm tra bảo đảm về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ phù hợp tinh thần đổi mới cấp ủy theo quy định. Công tác bầu cử, kết quả bầu cử nghiêm túc, chính xác, khách quan. Nhân sự bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đúng dự kiến, không có tình huống bất ngờ. Đại hội cấp trên cơ sở của tỉnh đã bầu 376 đồng chí cấp ủy viên, trong đó nhân sự tham gia lần đầu có 96 người, chiếm 25,5%; số ủy viên ban thường vụ là 113 người, trong đó tham gia lần đầu là 23 người, chiếm 20,3%. Bầu 298 đại biểu chính thức, 22 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22.

Về dự thảo nghị quyết, các đại hội cấp trên cơ sở đã xây dựng nghị quyết đúng định hướng. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả  quản lý điều hành của chính quyền; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Ngay sau đại hội các nghị quyết được cụ thể hóa bằng chương trình hành động với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tạo tiền đề quan trọng góp phần vào thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.