Người "say" cải lương

Lê Nguyên Ðạt là một trong những đạo diễn cải lương nổi bật của sân khấu TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Bằng những cống hiến cho nghệ thuật dân tộc thông qua công tác giảng dạy, nhất là qua những vở cải lương về đề tài cách mạng do anh dàn dựng, Lê Nguyên Ðạt truyền cảm hứng về tình yêu nghệ thuật và mang đến cho giới trẻ những giá trị sống tốt đẹp.

Cảnh trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường do Lê Nguyên Ðạt đạo diễn.
Cảnh trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường do Lê Nguyên Ðạt đạo diễn.

Chúng tôi gặp đạo diễn Lê Nguyên Ðạt khi anh vừa trở về sau chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 tại Hà Nội, mà anh vinh dự là một trong những điển hình được tuyên dương. Không cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi, anh nhanh chóng trở lại nhịp sống thường ngày với những vở diễn mới đang dàn dựng. Quán cà-phê đối diện Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh, nơi anh đang đảm nhận vị trí Trưởng khoa Kịch hát dân tộc của trường, là địa điểm cho anh chút thời gian để thư giãn, trò chuyện với mọi người vào mỗi sớm mai. Anh chia sẻ, được sinh ra và lớn lên trong thời vàng son của sân khấu cải lương đã vun đắp trong anh tình yêu đặc biệt dành cho môn nghệ thuật này. Xem vở cải lương nào, anh đều về nhà vẽ lại sân khấu, cảnh trí của vở đấy rồi bay bổng với từng vai diễn mà anh yêu thích. Ðó cũng là trò chơi theo anh suốt thời ấu thơ. Cho đến khi xem cố NSƯT Thanh Nga diễn vai Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh trên truyền hình, cậu bé Lê Nguyên Ðạt đã quyết định từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh, theo học lớp đào tạo ban đêm ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp tục học phổ thông. Sau đó, anh tham gia đoàn hát, bắt đầu con đường làm nghệ sĩ bằng những vai… hề. Ban đầu, anh được nhận xét là diễn hề… vô duyên. Không nản lòng, anh ra sức học hỏi, rèn luyện để từ diễn vô duyên thành… có duyên. Ðó là quãng thời gian khó khăn, vất vả nhưng đã mang lại cho Lê Nguyên Ðạt nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học bổ ích trong cuộc đời làm nghệ thuật sau này.

Có lẽ, giảng dạy và làm đạo diễn là cách để nghệ sĩ Lê Nguyên Ðạt phát huy hết tài năng và tâm huyết của mình. Trong vai trò một người thầy, anh luôn nhiệt tình truyền niềm đam mê nghệ thuật cho học trò, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho sinh viên khoa Kịch hát dân tộc có điều kiện rèn luyện, phát huy sở trường. Ở vai trò đạo diễn, Lê Nguyên Ðạt chăm chút cho từng chi tiết trong mỗi tác phẩm, để đó luôn là tác phẩm trọn vẹn về nghệ thuật và nội dung tư tưởng mà anh muốn gửi gắm. Ðạo diễn Lê Nguyên Ðạt quan niệm: "Mỗi sản phẩm sân khấu cụ thể đều là những bài học của tôi dành cho sinh viên. Tôi muốn các em cùng tham gia ở tất cả các khâu để hiểu quá trình hình thành và hoàn thiện một sản phẩm là khó khăn và phức tạp như thế nào. Tôi muốn trước khi đứng trên sân khấu tỏa sáng cùng các nhân vật, các sinh viên phải biết được nỗi vất vả của nhân viên hậu đài, người treo băng-rôn, phát tờ rơi quảng cáo, người bán vé, phụ trách phục trang… như các cô chú đi trước. Từ những trải nghiệm đó, các em sẽ hiểu và yêu nghề hơn".

Năm 2018, đạo diễn Lê Nguyên Ðạt có nhiều thành công. Vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) đoạt Huy chương vàng Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. Chọn một đề tài khó, vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Công, đạo diễn Lê Nguyên Ðạt đã tái hiện giai đoạn đầu đầy cam go trong quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðây vừa là thử thách, vừa là cơ hội để đạo diễn Lê Nguyên Ðạt thể hiện năng lực. Và anh đã thành công. Anh cho biết, Nguyễn Ái Quốc khi ấy là một thanh niên yêu nước như bao người thanh niên Việt Nam khác, không muốn đồng bào mình mãi chìm trong nỗi đau của người dân mất nước. Và Người đã quyết ra đi tìm con đường sáng cho dân tộc. Ðạo diễn Lê Nguyên Ðạt đã khai thác sâu dưới góc nhìn tình cảm, trữ tình cho nên tạo nhiều cảm xúc, dễ đi vào lòng người. Ðến nay, vở diễn đã phục vụ hàng nghìn công nhân trên địa bàn thành phố. Thời gian tới, đạo diễn Lê Nguyên Ðạt tiếp tục đưa vở diễn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất để có thêm nhiều công nhân được thưởng thức. Anh tâm sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc sống giản dị, giàu lòng yêu thương con người. Khắc họa hình tượng vị lãnh tụ thật gần gũi, anh muốn gửi thông điệp là học theo Bác, làm theo Bác không có gì khó, cao xa, mà chính là học từ những việc nhỏ, quanh mình. Là một nghệ sĩ, đạo diễn Lê Nguyên Ðạt luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy, một đạo diễn và một chủ tịch công đoàn. Chính vì thế, ở vai trò nào, làm công việc gì, anh cũng luôn nhiệt huyết, làm bằng tất cả niềm say mê và trách nhiệm.

Bản thân Lê Nguyên Ðạt không cho phép mình dừng lại, mà phải luôn luôn sáng tạo vì tình yêu dành cho nghệ thuật cải lương. Trò chuyện với anh, người đối diện sẽ thấy tình yêu đó qua cách kể về nghề say sưa, qua những nỗi trăn trở mà anh muốn chia sẻ để vực dậy cải lương và qua những dự án mới mà anh ấp ủ thực hiện. Với anh, lửa nghề ấy vẫn luôn cháy mãi.