Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng

Nêu gương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu (Kỳ 1)

Thời gian qua, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong việc nêu gương trách nhiệm người đứng đầu, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Thực tiễn hoạt động ở hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn cho thấy, khi người đứng đầu quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có cơ chế giám sát chặt chẽ thì hiệu quả, trách nhiệm đối với công việc được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có những hạn chế cần được nhanh chóng khắc phục.

Nêu gương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu (Kỳ 1)

Bài 1: Những cách làm sáng tạo

Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh có những nét tương đồng về văn hóa. Thời gian qua, hai tỉnh đã tập trung thực hiện việc nêu gương trách nhiệm người đứng đầu. Dù mỗi tỉnh có những cách làm riêng nhưng đều mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Mạnh dạn, nỗ lực triển khai

Tại tỉnh Cao Bằng, các quy định về thực hiện trách nhiệm nêu gương của T.Ư được Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Quy định số 2150-QÐ/TU với bảy nội dung nêu gương. Khâu đột phá được xác định, đó là: người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn một đến hai việc khó, đột phá để thực hiện theo phương châm không "đẩy" việc khó cho cấp dưới, giải quyết việc khó hiệu quả và nhân rộng tinh thần nỗ lực phát triển nhanh, bền vững.

Ðể việc thực hiện đi vào thực chất, chiều sâu, Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập đoàn kiểm tra những người đứng đầu của các đơn vị, địa phương. Tỉnh ủy gắn thực hiện quy định nêu gương, nhận việc khó, đột phá với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của người đứng đầu. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng Hà Ngọc Giáp chia sẻ, kết quả đánh giá, xếp loại cá nhân diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2018 đã thể hiện hiệu quả của việc thực hiện chủ trương này, công tác đánh giá cán bộ đã thực chất hơn. Trong số 128 cá nhân, chỉ có năm đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những đồng chí xếp loại không hoàn thành, điều mà trước đây chưa có.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành và thực hiện Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (Quy định số 01). Tỉnh quy định bốn trách nhiệm của bản thân và bảy trách nhiệm quản lý điều hành đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Việc xử lý trách nhiệm được quy định bằng các chế tài cụ thể. Tỉnh không bổ nhiệm lại; bố trí chức vụ thấp hơn hoặc khuyến khích từ chức, miễn nhiệm chức vụ; điều chuyển công tác đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu, nếu để có đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết tồn đọng, kéo dài, vượt cấp gây bức xúc; để vợ (chồng), con tham gia những việc làm ảnh hưởng đến uy tín bản thân; xử lý không nghiêm minh hoặc bao che sai phạm của cấp dưới… Việc xem xét xử lý trách nhiệm được thực hiện hằng năm, hoặc ngay sau khi có kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, điều tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ðồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, mục tiêu lớn nhất của Quy định số 01 là giáo dục, răn đe, phòng ngừa, thay đổi cung cách làm việc vốn đâu đó còn trì trệ, bảo thủ, lối mòn nhưng vẫn bảo đảm có tình, có lý. Thí dụ, nếu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu chậm triển khai công việc được giao sẽ bị nhắc nhở lần một. Nếu nhắc nhở lần hai sẽ coi như "thẻ vàng", nhắc nhở lần ba chắc chắn sẽ xem xét áp dụng theo chế tài tại Quy định số 01. Song hành với Quy định số 01, tỉnh ban hành kế hoạch kiểm điểm tự soi, tự sửa; cụ thể hóa hơn 100 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu soi vào để tự sửa. Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, coi đây là giải pháp lâu dài để có "đầu vào" cán bộ quy hoạch người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu chất lượng ngay từ bước đầu.

Tạo chuyển biến, hiệu quả rõ nét

Hai cách làm của Bắc Kạn và Cao Bằng tuy khác nhau nhưng đều là bước cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, trong đó, trọng tâm là khuyến khích, "buộc" người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu phải luôn nêu gương, dám chịu trách nhiệm. Công tác triển khai, thực hiện bài bản đã đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương tại Cao Bằng, Bắc Kạn đạt kết quả tốt. Tại tỉnh Cao Bằng, công trình đường phía nam khu đô thị mới TP Cao Bằng khởi công từ năm 2011, được gọi là "công trình thập kỷ" do công tác giải phóng mặt bằng chậm hàng chục năm. Nhưng khi có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp tỉnh và TP Cao Bằng, thấu tình đạt lý, hơn 600 hộ dân đã tháo dỡ nhà cửa, chuyển chỗ ở, không có trường hợp nào phải cưỡng chế. Có mặt bằng, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Ðầu tháng 10-2019, đường phía nam khu đô thị mới đã thông, tạo động lực, trục phát triển mới cho TP Cao Bằng.

Bảo Lạc (Cao Bằng) là huyện nghèo, biên giới, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhờ sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám quyết định của người đứng đầu đã góp phần đưa sản xuất hàng hóa phát triển, giúp đời sống người dân khá hơn. Trồng dâu, nuôi tằm là thế mạnh của địa phương nhưng thời gian qua, do giá cả bấp bênh, người dân bỏ trồng dâu. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống cơ sở, vận động, hướng dẫn nhân dân không bỏ trồng dâu tằm và kết hợp mở rộng trồng hồi. Thấy lãnh đạo nhiệt tình, dám chịu trách nhiệm, người dân tin tưởng, nhờ vậy, năm 2019, diện tích cây dâu tằm đạt 158 ha, thu hoạch 21 tấn kén, thu nhập đạt năm tỷ đồng. Diện tích cây hồi trồng đạt 1.800 ha, trong đó, hơn 1.000 ha đã cho thu hoạch. Nhiều hộ thu nhập từ 60 đến 300 triệu đồng/năm. Nếu tính theo thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn khoảng 15%.

Ðánh giá về hiệu quả cách làm mới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Ðình Lê chia sẻ, cán bộ nhận việc khó, tạo ra chuyển biến, đột phá là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, mỗi người đứng đầu đều phải luôn luôn nỗ lực, khẳng định mình. Khi người đứng đầu gương mẫu, tất yếu, cấp phó, cán bộ sẽ học tập, làm theo. Thành công bước đầu trong nâng cao trách nhiệm nêu gương người đứng đầu đã và đang tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều việc khó khăn, kéo dài nhiều năm đã được tập trung giải quyết, tháo gỡ.

Ðến nay, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp, bảo đảm đúng phương châm "động" và "mở"; hệ số, số lượng quy hoạch; tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số. Ðể quy hoạch mang tính lâu dài, đối với những đồng chí trong quy hoạch bị xử lý theo Quy định số 01 sẽ xem xét đưa ra khỏi quy hoạch. Những trường hợp phải xử lý kỷ luật được Bắc Kạn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo Quy định số 01, cũng là "gương" để đưa việc nêu gương trách nhiệm đạt chất lượng.

Tại Vườn quốc gia Ba Bể, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Vườn kiêm Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng, ông Nông Thế Diễn chưa chỉ đạo xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm; để Trung tâm không thu tiền phòng nghỉ một số đối tượng khi chưa được cấp thẩm quyền đồng ý; thu tiền phòng nghỉ nhưng không nộp vào quỹ cơ quan, để ngoài sổ sách, chi vào các hoạt động khác trái quy định. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nông Thế Diễn bằng hình thức khiển trách. Theo Quy định số 01, trường hợp này đã điều chuyển công tác khác.

Hai năm qua, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các địa phương, đơn vị đều nghiêm túc kiểm điểm, dần xóa bỏ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Năm 2017 - 2018, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo triển khai dự án khắc phục sạt lở đất khu dân cư Nà Cáy, thôn Thôm Mò, xã Quân Bình (huyện Bạch Thông). Tuy nhiên, trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án này chưa báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy theo quy định; việc chuyển bốn tỷ đồng từ dự kiến ứng trước của dự án này sang dự án xây dựng trụ sở xã Yến Dương (huyện Ba Bể) không thực hiện được theo quy định của Luật Ðầu tư công nhưng cũng không báo cáo Tỉnh ủy. Qua kiểm tra, Bắc Kạn đã chỉ đạo tập thể Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh... kiểm điểm, nhận trách nhiệm. Gương mẫu đi đầu, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo văn phòng thực hiện tiết kiệm, hạn chế dùng băng-rôn, khẩu hiệu, tặng hoa ngày kỷ niệm… Trung bình mỗi năm, Văn phòng Tỉnh ủy tiết kiệm được hơn một tỷ đồng, có điều kiện kinh phí hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, làm đường nông thôn mới.

Từ khi có Quy định số 01 và đổi mới cách đánh giá cán bộ, năm 2017 và 2018, tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bắc Kạn đều giảm cho thấy việc đánh giá cán bộ đã thực chất hơn. Tỉnh giảm được tình trạng đơn thư kéo dài; thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Ðảng quyết liệt hơn; giảm tình trạng chỉ đạo không rõ ràng, gây thất thoát ngân sách; bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc…

Việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã cụ thể, rõ việc chứ không chung chung. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn giải quyết giống lúa ngoài cơ cấu. Công an tỉnh giải quyết tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ vay nặng lãi. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết vướng mắc trong việc điều chỉnh tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho 188 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… Trong hai năm, Bắc Kạn đã có bước tăng vượt bậc trong chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị đã tự giác tìm cách giải quyết những vấn đề khó, khiếu kiện kéo dài, như: TP Bắc Kạn tập trung giải quyết vấn đề tái định cư bắc sông Cầu; Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc theo Chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề sai phạm của Công ty Kim Sơn tại Khu công nghiệp Thanh Bình… Bắc Kạn đã trở thành tỉnh thứ hai, sau Quảng Ninh phê duyệt, triển khai hiệu quả đề án mỗi làng xã một sản phẩm (OCOP).

Hai cách làm của Cao Bằng và Bắc Kạn tuy khác nhau về hình thức nhưng giống nhau về nội dung, đều khuyến khích, tạo hành lang để người đứng đầu nêu gương trách nhiệm. Ðồng thời, cũng có chế tài "buộc" mỗi người đứng đầu phải suy nghĩ nêu gương đã góp phần tạo chuyển biến nhiều trên tất cả các lĩnh vực ở hai tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.

(Còn nữa)