Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện ở Bắc Giang

Triển khai thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện (gọi tắt là nhất thể hóa), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã xem xét và quyết định thực hiện ở hai huyện là Việt Yên và Yên Thế. Kết quả bước đầu đã được ghi nhận, khẳng định sự lựa chọn đúng trong công tác cán bộ, đồng thời đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Giải quyết tốt mối quan hệ tập thể và cá nhân người đứng đầu

Quá trình thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hóa ở Bắc Giang khẳng định, khi nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được bảo đảm, sẽ là tiền đề để triển khai hiệu quả các chủ trương mới, nhất là về công tác cán bộ. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để triển khai mô hình này cần hội đủ các điều kiện cơ bản là, cán bộ được chọn đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; ban thường vụ nơi triển khai mô hình phải đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung. Bộ máy tham mưu giúp việc tương đối đồng đều, có năng lực tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở đó, sau khi xem xét, cân nhắc nhiều chiều, nhân sự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang lựa chọn để thí điểm chủ trương nhất thể hóa tại hai huyện Việt Yên, Yên Thế là hai cán bộ trẻ, được đánh giá có năng lực, đã giữ chức chủ tịch UBND huyện. Trong đó, đồng chí Lê Ô Pích, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên là người địa phương, đồng chí Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế là cán bộ luân chuyển. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức bí thư huyện ủy, hai Ban Thường vụ Huyện ủy Việt Yên và Yên Thế đã làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Việt Yên Nguyễn Văn Kiệm, sau khi thực hiện nhất thể hóa, Huyện ủy đã tiến hành sửa đổi quy chế làm việc của ban chấp hành đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015- 2020, cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện, phó bí thư thường trực, chủ tịch HÐND huyện. Ðồng thời, xây dựng các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm các đồng chí huyện ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trong lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ..., nhất là làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của đồng chí bí thư Huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện - người chịu trách nhiệm cao nhất trước Huyện ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy; cùng Huyện ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về sự lãnh đạo của Ðảng trên mọi lĩnh vực ở địa phương và chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công.

Về những băn khoăn khi được giao nhiệm vụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Vũ Trí Hải bộc bạch, nhận nhiệm vụ mới, bản thân anh không khỏi có nhiều áp lực, đồng thời cũng là thử thách để xác định rõ phương châm hành động. Ðồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo huyện rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Huyện ủy, UBND huyện phù hợp điều kiện cụ thể; điều chỉnh phân công nhiệm vụ. Ðiểm nổi bật trong Quy chế sửa đổi, bổ sung là hằng tuần tổ chức giao ban chung cả ba cơ quan (Thường trực Huyện ủy, HÐND và lãnh đạo UBND huyện); hằng tháng tổ chức giao ban trực tuyến giữa Thường trực Huyện ủy, HÐND, lãnh đạo UBND huyện với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Ưu điểm của việc sửa đổi quy chế là tiết kiệm thời gian hội họp, dành nhiều thời gian đi cơ sở và giải quyết các công việc khác mà vẫn bảo đảm thông tin nhanh hơn, thông suốt, dân chủ được mở rộng, kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Lý giải tại sao cho rằng dân chủ được mở rộng và kiểm soát quyền lực tốt hơn, đồng chí nêu rõ, việc tổ chức giao ban chung, các đồng chí trong các cơ quan thường trực (Huyện ủy, HÐND, UBND) đều dự, nghe, nắm bắt và tham gia ý kiến, cho nên mọi công việc được bàn thảo công khai dân chủ và như vậy đương nhiên quyền lực được kiểm soát chặt hơn. Hay giao ban về công tác cán bộ thì ngoài Thường trực Huyện ủy đều mời Trưởng Ban Tổ chức và Phó Chủ tịch phụ trách khối công tác có cán bộ được xem xét đánh giá...

Thực tế cho thấy, để hoàn thành việc đảm trách "hai vai", hai đồng chí được chọn đã chủ động, nghiêm túc và gương mẫu trong mọi việc, nhất là thực hiện Quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Và điều quan trọng là tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện luôn duy trì và giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Coi trọng kiểm soát quyền lực

Ghi nhận bước đầu đã chỉ ra, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa, ở hai huyện ủy Việt Yên và Yên Thế góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, không để phát sinh những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến tình hình chính trị trên địa bàn huyện. Với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, có vai trò người đứng đầu, năm 2018 cả hai huyện đều được đánh giá có những thành tích tiến bộ hơn so với năm 2017.

Cụ thể, Ðảng bộ huyện Yên Thế được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp thứ 5 trong số 10 huyện, thành phố (tăng ba bậc so với năm 2017); huyện được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện được Chủ tịch UBND tỉnh chấm điểm, đánh giá xếp thứ nhất trong 10 đồng chí chủ tịch UBND huyện, thành phố. Ðảng bộ huyện Việt Yên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tặng Bằng khen; huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện được Chủ tịch UBND tỉnh chấm điểm xếp thứ hai trong 10 đồng chí chủ tịch UBND huyện, thành phố.

Ðánh giá hiệu quả bước đầu, Tỉnh ủy Bắc Giang nhận định, việc triển khai thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc bố trí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện ở hai huyện Việt Yên và Yên Thế bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí thường xuyên chủ động báo cáo, xin ý kiến Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình của địa phương để có hướng xử lý kịp thời, đúng quy định. Mặt tích cực, việc cụ thể hóa các chủ trương của cấp ủy thành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ đột xuất được trực tiếp hơn, nhanh hơn, rút ngắn độ trễ; khắc phục tình trạng trông chờ của chính quyền đối với cấp ủy hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền.

Vai trò của cấp ủy được tăng cường trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chung của huyện, cũng như trong công tác cán bộ; nắm chắc và có hệ thống đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã, từ đội ngũ cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý đến cán bộ phân cấp cho UBND huyện quản lý bảo đảm liên thông, đánh giá cán bộ sát hơn, qua đó giúp cho việc sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với cán bộ thuận lợi, tổng thể giữa khối đảng, đoàn thể, chính quyền, đơn vị sự nghiệp và cấp xã. Vai trò của UBND huyện được nâng lên; sự phối hợp giữa UBND huyện với các cơ quan nội chính sâu sát hơn trong giải quyết các vấn đề phức tạp của địa phương; giảm một số cuộc họp, tiết kiệm thời gian của tập thể, cá nhân...

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, quá trình thực hiện đồng thời đặt ra một số vấn đề cần được nghiên cứu thêm. Ðó là việc kiểm soát quyền lực trong điều kiện quyền lực cao nhất của cấp ủy, chính quyền huyện tập trung vào một người, rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, độc đoán, mất dân chủ. Do đảm nhiệm hai vị trí cao nhất của cấp ủy, chính quyền của một địa phương cho nên đồng chí bí thư - chủ tịch UBND huyện chịu áp lực rất cao về chỉ đạo giải quyết nhiều công việc; đồng thời cũng chịu áp lực tác động, can thiệp khác, do đó đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực làm việc tốt, công tâm, khách quan và sức khỏe tốt; cần cân đối thời gian trong xử lý công việc, nếu không rất dễ sa vào tình trạng coi trọng công tác chính quyền, coi nhẹ công tác đảng, đoàn thể. Do đó, vấn đề cần quan tâm khi tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương này là phân công, điều chỉnh nhiệm vụ của thường trực huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện phù hợp, trong đó đồng chí bí thư - chủ tịch UBND huyện cần nắm những vấn đề trọng yếu (công tác cán bộ; định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của huyện; các nguồn lực của địa phương...), phân công cho đồng chí phó bí thư thường trực một số nhiệm vụ của bí thư; phân công cho các đồng chí phó chủ tịch UBND huyện một số nhiệm vụ của đồng chí chủ tịch UBND; đồng thời thiết kế mô hình kiểm soát, quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với đồng chí bí thư - chủ tịch UBND huyện. Ðây là yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát quyền lực khi thực hiện nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện.