Không lẽ cứ phải đợi đối thoại trực tiếp

Tại buổi tiếp công dân ở trụ sở UBND huyện, một số ý kiến phản ánh sự chậm trễ, khó khăn trong giải quyết đơn thư.

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Bà Bình, người có đơn đề nghị xem lại giá bồi thường đất, phàn nàn với hai người ngồi bên cạnh: Các bác ạ, tôi chỉ mong gặp ông chủ tịch huyện; thường thì chỉ gặp phó chủ tịch huyện hoặc các ông trưởng phòng, phó phòng. Cơ mà việc của tôi vẫn chưa xong, thắc mắc của tôi mãi chưa được giải đáp.

- Tôi cũng mong y như bác, thế nhưng chỉ gặp các ông cấp phó được ủy quyền tiếp dân. Vừa rồi sốt ruột quá, tôi đã đăng ký gặp ông Bí thư Huyện ủy. Bà Trương cho biết.

Bà Bình ngạc nhiên:

- Việc của công dân thì phải chính quyền giải quyết chứ. Bà gặp ông Bí thư làm gì?

- Ôi dào, chính quyền dây dưa mãi không giải quyết xong thì phải gặp lãnh đạo cao hơn. Trung ương đã ban hành Quy định số 11- QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo Quy định này, Bí thư Huyện ủy cũng phải tiếp dân, trực tiếp đối thoại, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tổ chức, cơ quan nhà nước xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Do đó, nếu UBND huyện không giải quyết đơn thư của dân đến nơi đến chốn, thì người dân có quyền đề nghị, báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy để các bác ấy chỉ đạo chính quyền thực hiện cho đúng.

- Bà nói có lý. Bây giờ nhiều người muốn gặp trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy để thúc đẩy chính quyền giải quyết nhanh hơn. Thực tế là công chức khối chính quyền vẫn còn một số người chưa thể hiện thái độ tích cực, còn dây dưa trong xử lý công việc.

- Có điều các bác lãnh đạo bận họp suốt, bố trí gặp dân rất khó, lại ủy quyền cho người này người kia, không thúc đẩy quyết liệt được công việc. Tôi thấy đơn thư có giảm đâu.

Nãy giờ bác Tứ theo dõi câu chuyện của các bà, giờ mới lên tiếng:

- Nếu lãnh đạo luôn tiếp dân theo đề nghị của công dân thì thời gian đâu mà làm việc. Thật ra, tôi thấy không nhất thiết lãnh đạo cứ phải gặp dân, nếu đơn thư được giải quyết tốt từ cơ sở, từ xã, phường. Đồng thời phải quy định rõ giải quyết đến đâu thông báo công khai kết quả đến đó. Có như vậy thì dân đỡ sốt ruột, khỏi thắc mắc. Bây giờ người dân hầu như ai cũng có điện thoại di động, chỉ cần nhắn tin thông báo tiến độ giải quyết đơn thư là xong. Không thì chính quyền mở một trang thông báo kết quả giải quyết đơn thư trên in-tơ-nét. Chúng mình già rồi không biết xem thì nhờ con cháu xem hộ. Tôi thấy việc ấy dễ thế mà các bác ấy không làm, cứ luẩn quẩn vòng vèo rồi đơn lại tiếp đơn. Bà con ta ai muốn đi lại nhiều làm gì, vất vả cho cả dân và cán bộ địa phương.

- Ừ nhỉ, đơn giản thế thôi mà. Có lẽ vẫn là do chưa chịu đổi mới cách làm.