Không để sai rồi mới sửa

Tại buổi đối thoại với đại diện cư dân Khu đô thị Ðại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) mới đây, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với những sai phạm tại dự án khu đô thị này, một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thừa nhận, cơ quan quản lý nhà nước có lỗi với người dân, những người liên quan đã và đang bị xử lý theo pháp luật.

Ảnh minh họa: TTXVN.
Ảnh minh họa: TTXVN.

Ðồng thời, UBND huyện cùng một số cơ quan chức năng đã tổ chức họp toàn thể cư dân, làm rõ yêu cầu, nguyện vọng về biện pháp xử lý đối với nhà đầu tư, đối với dự án, công trình vi phạm tại dự án khu đô thị Ðại Thanh và tổng hợp ý kiến, báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

Nhận lỗi thì phải sửa lỗi là tất yếu và đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề đặt ra là vì sao lỗi đã được chỉ ra từ lâu, một số cán bộ, đảng viên và tổ chức đã bị xử lý kỷ luật, nhưng sai phạm vẫn không được ngăn chặn triệt để? Theo đó, từ năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Khu đô thị Ðại Thanh. Theo kết luận thanh tra, tính đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, tuy nhiên các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp. Chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước nhưng đã khởi công xây dựng từ tháng 3-2012… Sai phạm của chủ đầu tư, sự thờ ơ, chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền khiến dư luận đặt câu hỏi và chờ đợi hồi âm thỏa đáng, rằng có hay không sự bao che, tiếp tay cho doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến những thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và quyền lợi của người dân. Sau chín lần đối thoại, nhiều vấn đề liên quan trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia dự án này vẫn rơi vào bế tắc.

Thực tế những năm gần đây, sau hàng loạt vụ việc sai phạm từ triển khai thực hiện các dự án khu đô thị đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội đã chỉ ra nhiều bất cập, yếu kém và nảy sinh tiêu cực. Tình trạng này có nguyên nhân từ hệ thống các quy định pháp luật cần thiết của Nhà nước, song cơ bản là các nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của thành phố.

Tháng 6-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đồng thời xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả hệ thống. Nghị quyết đã nêu trúng, đúng vấn đề cấp thiết đang đặt ra từ thực tiễn, tuy nhiên để nghị quyết thật sự có hiệu lực trong cuộc sống, thì mỗi cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, người mua nhà… đều phải rõ được trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên; có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền và các ngành trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư ở mức độ cao hơn, đồng bộ hơn. Và quan trọng là một bộ máy với những cán bộ, công chức được giao việc thật sự đủ năng lực, trong sạch và minh bạch, mới kỳ vọng khắc phục căn bản những tồn tại, bất cập hiện nay, để không lặp lại tình trạng cứ sai rồi mới sửa.