Hết lòng vì hoạt động công đoàn

Với đội ngũ “giỏi một việc, biết nhiều việc”, luôn hết lòng vì sự đổi mới hoạt động công đoàn, sau những chuyến công tác, mỗi cán bộ công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều có những sáng kiến táo bạo, thấm đẫm ước mơ của đoàn viên, người lao động. Mỗi sáng kiến của cán bộ công đoàn dù lớn, dù nhỏ đều được ghi nhận, đánh giá, khen thưởng kịp thời, được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh nhân rộng, mang đến nhiều hy vọng, quyền lợi, góp phần động viên đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công đoàn ở vùng đất cố đô.

Công nhân tham gia Hội thi tay nghề công nhân giỏi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.
Công nhân tham gia Hội thi tay nghề công nhân giỏi tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Ðột phá từ khó khăn

Xác định việc đổi mới và đẩy mạnh hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động (NLÐ) đòi hỏi phải có quá trình, thời gian qua, Công đoàn các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn trăn trở để "làm mới" hoạt động công đoàn. Có thể kể tới các chương trình: Mái ấm công đoàn, cho NLÐ vay vốn từ Quỹ công nhân lao động nghèo, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tổ chức đám cưới tập thể công nhân lao động, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, thăm khám miễn phí, hỗ trợ điều trị khi NLÐ bị bệnh hiểm nghèo, khen thưởng cho đoàn viên vượt khó, học giỏi... Ðặc biệt, khi Tổng LÐLÐ Việt Nam phát động Chương trình "Phúc lợi đoàn viên", LÐLÐ tỉnh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước nhanh chóng triển khai. Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương nhớ lại: Ngày đầu triển khai chương trình, công đoàn gặp vô vàn khó khăn. Ban đầu, mất khá nhiều công sức trong việc tiếp cận doanh nghiệp (DN), vận động, thuyết phục để DN hiểu được tham gia chương trình cũng là một kênh quảng bá sản phẩm, bán hàng hữu hiệu, sản phẩm được giao tận tay người tiêu dùng, không qua trung gian, hạ giá thành, chi phí sản xuất. Thêm nữa, sau khi tìm kiếm được DN ký kết, tiếp cận đoàn viên, NLÐ, chúng tôi nhận phản hồi rằng công đoàn đi "môi giới", bán hàng cho DN để ăn "hoa hồng". Sau những phút chạnh lòng bởi "nỗi oan ức không thể bày tỏ", chúng tôi động viên nhau dằn lòng lại, lao vào công việc. Sau một thời gian triển khai, đã ký kết được với 30 đối tác, đưa các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi đến đoàn viên, NLÐ, cam kết giảm từ 15% đến 40% so với giá niêm yết. Sau hai năm, hơn 47 nghìn lượt đoàn viên, NLÐ được hưởng lợi từ chương trình này, với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện, đã nảy sinh một số vấn đề: Công đoàn không đủ lực lượng, nghiệp vụ để quản lý, giám sát hoạt động bán hàng giảm giá của các DN đối tác. Giá cả đôi khi không đi liền với chất lượng. Cá biệt, có DN tự nâng giá, sau đó đề biển giảm giá để tiêu thụ hàng hóa. Một số DN bán các mặt hàng nhập từ nước ngoài, không phù hợp thu nhập của đoàn viên. Ðầu năm 2019, LÐLÐ tỉnh kiến nghị với Tổng LÐLÐ Việt Nam chủ động thực hiện Chương trình phúc lợi (bổ sung), theo hướng ký kết với những đối tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của đoàn viên công đoàn, kết hợp thực hiện trách nhiệm của DN đối với các hoạt động xã hội của tổ chức công đoàn. Ðã có 10 DN tham gia Chương trình phúc lợi (bổ sung), cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu thực tiễn của NLÐ như: Chương trình học bơi cho đoàn viên, con đoàn viên công đoàn; bán các sản phẩm gạch, sơn tường, tôn lợp với giá ưu đãi cho đoàn viên được hỗ trợ xây dựng mái ấm công đoàn.

Ðổi mới từ mỗi cán bộ công đoàn

Trong điều kiện thu nhập khiêm tốn, tăng ca, nhiều thông tin nhiễu loạn, từ các trang mạng, LÐLÐ tỉnh đã đổi mới các hoạt động định hướng công tác tư tưởng, tuyên truyền pháp luật lao động bằng nhiều hình thức linh động, linh hoạt, trong đó thành lập trang Facebook Công đoàn Huế, thu hút 5.000 người tham gia. Công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 50 công đoàn cơ sở lập Facebook, tương tác với Facebook Công đoàn Huế. Qua đó, giúp các công đoàn cơ sở, các đoàn viên, NLÐ nắm bắt nhanh, sâu rộng các chủ trương của công đoàn tỉnh, bên cạnh đó, lan tỏa những mô hình hay, việc làm đẹp.

Trưởng ban Tuyên giáo LÐLÐ tỉnh Ngô Thị Thu Hương cho biết: Việc triển khai tuyên truyền pháp luật tại khu nhà trọ không đạt kết quả cao, ảnh hưởng thời gian nghỉ ngơi của NLÐ, LÐLÐ tỉnh đã thực hiện thử nghiệm "Chuyến xe công đoàn" trên các tuyến xe chở công nhân đến các khu công nghiệp, nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho NLÐ. Thay vì phát tờ rơi, cán bộ công đoàn có mặt trên mỗi chuyến xe tiến hành giao lưu trực tiếp, tạo ra các tình huống, câu hỏi bám sát những vấn đề NLÐ quan tâm: tiền lương, thu nhập, BHXH, các chế độ trợ cấp khi xảy ra TNLÐ. Mỗi câu hỏi, tình huống NLÐ trả lời đúng, sẽ được tặng thưởng bằng tiền mặt. Hình thức tuyên truyền sáng tạo, đổi mới này thu hút sự tham gia hào hứng của NLÐ, không chỉ được trang bị thêm kiến thức pháp luật mà còn được hưởng thụ quãng thời gian ngắn ngủi ngoài giờ lao động để giảm bớt căng thẳng.

Nhằm đẩy mạnh việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLÐ, LÐLÐ tỉnh đã đưa ra giải pháp, đầu tiên là đổi mới từ chính mỗi cán bộ công đoàn. Không còn việc hoạt động bằng mệnh lệnh hành chính, LÐLÐ tỉnh đã đưa ra kế hoạch tăng cường cán bộ về cơ sở, hỗ trợ công đoàn cấp trên cơ sở và rèn luyện đội ngũ cán bộ với mục tiêu "giỏi một việc, biết nhiều việc". Năm 2018, LÐLÐ tỉnh tổ chức hội thi "Cán bộ công đoàn giỏi" năm 2018 với chủ đề "Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, NLÐ", khuyến khích những ý tưởng sáng tạo của cán bộ công đoàn các cấp nhằm đổi mới hoạt động công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho NLÐ. Cuộc thi đã quy tụ 40 ý tưởng, trong đó có 11 ý tưởng có tính khả thi đã được nghiên cứu kỹ càng, áp dụng vào thực tiễn hoạt động như: Chương trình "Cảm ơn" đoàn viên, Phiên chợ của người lao động, Ðiều ước đoàn viên. Chị Hoàng Thị Hiền, đến từ khối Công đoàn Viên chức, người đã đem ý tưởng Ðiều ước đoàn viên đến cuộc thi và giành giải nhì, cho biết: Cuộc thi là kết quả thu được sau một thời gian tăng cường cán bộ về cơ sở. Ở đó, chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những tâm tư, nguyện vọng của NLÐ. Khi tham gia cuộc thi, dựa trên ý tưởng của chương trình Ðiều ước thứ 7 trên Ðài Truyền hình Việt Nam, tôi đã nảy ra sáng kiến thực hiện Ðiều ước đoàn viên, nhận thấy hiệu quả của chương trình, tôi đã đăng ký dự thi. Ðiều đáng nói là, Ðiều ước đoàn viên của tôi ban đầu chỉ là ý tưởng nhỏ, nhưng sau đó đã được Ban Thường vụ nâng lên thành chương trình để triển khai trong toàn cấp công đoàn, khiến tôi thật sự xúc động. Chính sự quan tâm động viên kịp thời, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế luôn hết mình vì sự đổi mới trong hoạt động công đoàn.