Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng "Búa liềm vàng"

Hành trình những kỷ vật vô giá của Bác Hồ (Tiếp theo và hết) (★)

Bài 3: Tiếp nối nhiệm vụ thiêng liêng

Tiếp nối các thế hệ cha anh, những người đã dành cả cuộc đời tâm huyết cho công tác sưu tầm và gìn giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ trẻ và lãnh đạo Bảo tàng hôm nay vẫn đang bước tiếp hành trình thiêng liêng ấy bằng tình yêu và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ.

Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ðào Tuấn Anh và Nguyễn Thu Huyền) bên các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh (Ðào Tuấn Anh và Nguyễn Thu Huyền) bên các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nền móng từ thế hệ cha anh

37 năm gắn bó với Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Tình nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn luôn trăn trở với công việc ở Bảo tàng ngay cả khi đã về hưu. Công việc đầu tiên của cán bộ trẻ Nguyễn Thị Tình năm ấy là làm việc quét dọn, bảo quản những kỷ vật của Bác trong Khu di tích Phủ Chủ tịch. Tình yêu với Bác đã được nuôi dưỡng từ những công việc cần mẫn, cẩn thận ấy. Ðược cử đi làm nghiên cứu sinh tại Ðại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Nga), bà Tình là lớp tiến sĩ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thời gian sang Mỹ và Anh để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Tình đã gặp lại rất nhiều người nước ngoài từng được làm việc với Bác. Họ vẫn còn nguyên vẹn những tình cảm không hề thay đổi với Người. Ứng xử văn hóa của Bác khiến những người bạn quốc tế ấy suốt đời vẫn giữ lại những ký ức tốt đẹp không chỉ đối với Bác mà cả với đất nước, con người Việt Nam. Một trong những người bạn thân thiết của Bảo tàng mà bà Tình xúc động khi kể cho chúng tôi nghe là nữ nhà văn Mỹ Lây-đi Bô-tơn, người đã dành một sự kính trọng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Bô-tơn đã dành nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí riêng của mình cho những chuyến đi sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hồng Công (Trung Quốc), Anh, Pháp, Mỹ… Cuốn sách Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh chính là kết quả của những chuyến đi không mệt mỏi ấy của nhà văn Lây-đi Bô-tơn.

Từ công việc thuyết minh, làm công tác trưng bày cho đến công việc quản lý, điều hành, bà Tình học được cách làm việc, được bồi dưỡng và hướng dẫn từ những cán bộ đã từng phục vụ Bác Hồ. "Chú Vũ Kỳ - Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhắc tôi: Bác Hồ có nói với chú rằng, muốn làm tốt công việc thì phải ít nói, ít cười, nghe nhiều, suy nghĩ kỹ. Như thế không có nghĩa là không nói, không cười, mà là cười lúc nào, nói cái gì và nhất là phải nghe nhiều và suy nghĩ kỹ. Tôi đã cố gắng lấy đó làm kim chỉ nam để áp dụng trong công tác quản lý công việc của mình tại Bảo tàng", bà Tình nhớ lại.

Làm sao để vận hành tốt công trình văn hóa lớn về Bác, để nhân dân khi đến Bảo tàng học được điều gì, đó là những trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Người kế nhiệm TS Nguyễn Thị Tình ở Bảo tàng Hồ Chí Minh là TS Chu Ðức Tính. Ông Tính cũng là thế hệ cán bộ đi đầu trong việc xây dựng các chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ phát triển hệ thống di tích của Bảo tàng trên phạm vi cả nước. Mỗi cán bộ ở bộ phận này đều phải hiểu và làm tốt cả sáu khâu trong công tác bảo tàng: Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền. Ông Tính nói rằng, càng nghiên cứu, càng hiểu Bác thì càng kính yêu, càng muốn làm thật tốt cho sự nghiệp giữ gìn và phát huy các di sản của Bác. Trước câu hỏi: Những người trẻ muốn học và làm theo Bác có khó không, ông Tính chỉ cười nhẹ nhõm và trả lời chúng tôi bằng việc nhắc lại một câu trong cuốn sổ ghi chép cảm tưởng của một du khách Ô-xtrây-li-a khi vào thăm nhà sàn Bác Hồ như sau: Không ai trong chúng ta có thể trở thành Hồ Chí Minh được nhưng ai cũng có thể học tập Người, để sống với nhau tốt hơn và làm việc có hiệu quả hơn. "Học Bác không phải là trở lại mặc quần nâu áo vá, đi dép cao-su. Học Bác là học phương pháp làm việc, những ứng xử đúng, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện", ông Tính khẳng định.

Học được nhiều từ cách viết ngắn gọn, xúc tích của Bác, bà Phạm Thị Lai, nguyên cán bộ Phòng Tư liệu - Thư viện đã cùng các đồng nghiệp biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sách do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản có độ tin cậy cao về tư liệu, phong phú về nội dung, hấp dẫn, dễ hiểu, gần gũi như chính cuộc đời Bác cho nên được bạn đọc, đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế đón nhận, phản hồi tốt, có những cuốn sách được tái bản nhiều lần, một số cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Lào, Thái-lan. Hành trình những tài liệu còn được nối dài, không chỉ trưng bày trong Bảo tàng mà đã được tư liệu hóa, bước vào các trang sách, lan tỏa vào cuộc sống.

"Ðược làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là vinh dự lớn lao, may mắn với tôi. Ban đầu là xuất phát từ tình yêu, sự kính trọng đối với Bác Hồ. Nhưng sau những năm tháng làm việc miệt mài, được gặp gỡ nhiều nhân chứng, tiếp cận nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời Bác, bên cạnh tình yêu đó còn có một tình cảm lớn lao hơn, đó chính là sự ngưỡng mộ, khâm phục và muốn tiếp tục khám phá nhiều hơn về cuộc đời Bác, đi sâu tìm hiểu làm sáng tỏ thêm những sự kiện còn gây tranh cãi, những giai đoạn trong cuộc đời Bác còn trống vắng tài liệu", bà Lai chia sẻ. Bà kể rằng, càng làm việc, càng nghiên cứu, càng thấy như bị cuốn hút, say mê không thể dừng lại. Ðấy là lý do dù đã về hưu, bà vẫn cùng đồng nghiệp biên soạn, xuất bản một số cuốn sách về Bác Hồ: Hành trình theo chân Bác; Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga...

Ðến tình yêu của cán bộ hôm nay

Sinh năm 1984, anh Ðào Tuấn Anh là một trong những gương mặt ưu tú được lãnh đạo Bảo tàng giới thiệu để chia sẻ công tác sưu tầm và gìn giữ kỷ vật, tư liệu về Bác hiện nay của thế hệ cán bộ trẻ. Tốt nghiệp chuyên ngành Hồ Chí Minh học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, anh Tuấn Anh đã dành tình cảm yêu kính của mình đối với Bác. "Ðây là địa điểm khi còn đi học tôi đã từng nhiều lần đến thăm, thông qua các tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng, tôi càng thấu hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại nhưng rất đỗi giản dị, vị lãnh tụ được nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới hết mực yêu mến, và vì thế, tôi rất tự hào vì được làm việc ở bảo tàng mang tên Người", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Hầu hết các cán bộ trẻ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đều thể hiện sự phấn khởi khi về làm việc tại đây. Họ cho rằng, được trực tiếp làm việc tại Bảo tàng, mọi người có điều kiện tiếp xúc đầy đủ hơn với các tài liệu, hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe kể, đọc các bài viết của những nhà nghiên cứu, các vị lão thành cách mạng, những người đã từng có thời gian được sống, làm việc bên cạnh Bác, nhất là được làm việc cùng với các đồng nghiệp cũng dành tình yêu hết mực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Chúng tôi tự dặn mình: Cán bộ bảo tàng chính là những người đang làm công việc trông nhà, tiếp khách giúp Bác", Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà tự hào khẳng định.

Công tác hơn 20 năm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, cán bộ Phòng Tư liệu - Thư viện Nguyễn Thu Huyền cũng nói rằng, bản thân may mắn khi được chứng kiến tình cảm của người dân, nhân chứng đã được gặp Bác, yêu Bác đến nhường nào qua những câu chuyện xúc động. "Quá trình làm việc giúp những cán bộ bảo tàng như chúng tôi càng thêm tự hào và say mê công việc mình đang làm. Bản thân tôi rất xúc động mỗi khi đến dịp Tết Ðộc lập, chứng kiến những đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về Ba Ðình viếng Bác. Mỗi câu chuyện của các nhân chứng, là một lần cảm xúc để chúng tôi thêm ngưỡng vọng và kính yêu Người", chị Thu Huyền bồi hồi kể lại.

Ðược đào tạo đúng chuyên ngành, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà kể cho chúng tôi nghe về tình yêu đối với công việc mỗi ngày một lớn hơn. Những câu chuyện đằng sau mỗi hiện vật đều trở nên đáng nhớ và là những bài học quý giá trong công tác quản lý hiện tại của anh như chuyến đi Bun-ga-ri và sưu tầm được bức tranh sơn dầu mà họa sĩ nổi tiếng của xứ sở hoa hồng I.K.Pê-tờ-rốp đã vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tham gia buổi gặp gỡ khi Bác đến thăm đất nước tươi đẹp này năm 1957. Ðây là tác phẩm rất có giá trị lịch sử, đồng thời thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ của họa sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi qua đời, họa sĩ Pê-tờ-rốp đã gửi lại bức tranh này cho em gái ruột. Khi bà mất, người con trai bà tiếp tục lưu giữ bức tranh. Trải qua 60 năm, bức tranh vẫn được cháu ruột của họa sĩ Pê-tờ-rốp giữ gìn cẩn thận và được treo trang trọng ở phòng khách của gia đình. "Khi đoàn cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang công tác tại Bun-ga-ri, qua một số thông tin, chúng tôi được biết có bức tranh vẽ chân dung Bác bởi trước đó đã có rất nhiều Việt kiều ở đó ngỏ ý xin mua lại nhưng gia đình không đồng ý bán. Chúng tôi đến, thuyết phục và cuối cùng đã đưa được bức tranh quý giá này về Bảo tàng Hồ Chí Minh", Giám đốc Vũ Mạnh Hà kể.

Hiện nay, so với mặt bằng xã hội, thu nhập của mỗi cán bộ khi làm việc tại các bảo tàng ở Việt Nam nói chung, Bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng đều mới chỉ dừng ở mức trung bình khá. Nhưng TS Chu Ðức Tính cho rằng: "Ở đâu đó người ta có thể lấy đồng tiền ra làm thước đo, nhưng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ thời những lãnh đạo đầu tiên như bác Hà Huy Giáp, bác Vũ Kỳ, bác Xuân Kỳ, bác Cù Văn Chước... đều dặn một điều: Nếu chỉ vì tiền thì đừng về đây. Yêu Bác thì mới ở đây. Những lời căn dặn ấy còn nguyên giá trị cho tới tận hôm nay. Bởi cuộc sống tuy còn nhiều vất vả, bươn chải, nhưng mỗi cán bộ Bảo tàng vẫn luôn lấy đức làm trọng, lãnh đạo Bảo tàng qua nhiều thế hệ vẫn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ của mình".

Tiếp xúc với các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy được tình yêu và sự say mê trong công việc của mỗi người. Tình yêu đó xuất phát từ trái tim rất đỗi yêu Bác, yêu các di sản của Người để lại cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta. Với tình yêu sâu sắc dành cho Bác Hồ, các cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn không ngừng lan tỏa những di sản tốt đẹp của Người để lại đến với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nghiên cứu về sự nghiệp và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biển kiến thức mênh mông không bao giờ hết. Hiện nay, khối tài liệu còn khoảng trống của Bảo tàng Hồ Chí Minh là những tư liệu, hiện vật về quãng thời gian Bác Hồ ở Anh và Mỹ. "Trong tương lai Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ lập những đề án để tiếp tục sưu tầm, khai thác khối tài liệu, hiện vật này", Giám đốc Vũ Mạnh Hà cho biết thêm.

Ðúng như Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã viết lúc sinh thời: Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa khí phách dân tộc, lương tâm của thời đại. Người là biểu tượng của những lý tưởng, khát vọng cao đẹp của loài người… Ðó là hình ảnh một vĩ nhân "cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu" (trích trong cuốn Phạm Văn Ðồng. Hồ Chí Minh - Một con người. Một dân tộc. Một thời đại. Một sự nghiệp). Chính vì lẽ đó, các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh hôm nay vẫn đang tiếp bước những thành quả mà các thế hệ cha anh đã gây dựng, luôn say mê tìm kiếm, nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những giá trị vĩ đại từ cuộc đời, tư tưởng, trí tuệ và sự nghiệp của Bác, để lan tỏa hơn nữa văn hóa Hồ Chí Minh và niềm kính yêu đối với Người.

* Bài 2: Giọt mồ hôi sau tình yêu bất diệt

* Bài 1: Tìm kiếm và gìn giữ

----------------------------------------------

(*)Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3-10-2019.