Ý KIẾN CỬ TRI    

Hạ tầng các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế

Tôi thấy rất tự hào vì mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, điều hành của Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân được chăm lo, ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy kết cấu hạ tầng của các tỉnh miền núi chưa được hoàn thiện, nhiều tỉnh miền trung chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, làm hư hại các công trình xây dựng cơ bản, như: điện, đường, trường, trạm… Những tỉnh miền núi phía bắc thiếu hạ tầng giao thông và đó là "nút thắt" cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, quan tâm, xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ hơn vào xây dựng kết cấu hạ tầng cho các tỉnh miền núi. Bảo đảm các công trình xây dựng kịp thời, bền vững, ứng phó được với thiên tai lũ quét, sạt lở, giúp các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả trong thời gian tới.

Cử tri NGUYỄN TRUNG THỰC

(Tổ 12, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn)

 

Quan tâm bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Tôi rất phấn khởi và ấn tượng trước những kết quả đạt được của đất nước trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế hết sức khó khăn, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi đề nghị Chính phủ và chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn công tác quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ở Ðắk Lắk nói riêng, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên nói chung, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép chưa được ngăn chặn, kiểm soát; nhiều công trình thủy điện được xây dựng ở những vị trí không phù hợp, cộng với biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường dẫn đến thiên tai liên tục xảy ra với cường độ ngày càng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Cụ thể là hạn hán khốc liệt xảy ra hằng năm ở các tỉnh Tây Nguyên và tình trạng lũ lụt, sạt lở đất gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, làm ngập lụt hàng chục nghìn nhà dân ở các tỉnh miền trung trong những ngày qua đã nói lên điều đó.

Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện không phù hợp; xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường do các khu công nghiệp, làng nghề gây ra; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi, hồ đập, cơ cấu lại nền nông nghiệp và bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra để nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh, bền vững, đời sống nhân dân được ổn định và nâng lên về mọi mặt.

Cử tri Nguyễn Thanh Hà

(Thôn 4, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk)

 

Cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích phát triển kinh tế sau dịch COVID-19

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã thu hút được đông đảo cử tri TP Ðà Nẵng theo dõi với hy vọng Chính phủ đề ra được những giải pháp cơ bản vực dậy nền kinh tế của đất nước cũng như của địa phương. Ðiểm nhấn về thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong chín tháng đầu năm là thành công bước đầu trong khống chế dịch Covid-19 và duy trì được tăng trưởng kinh tế dương. Kết quả này đã tạo niềm tin, sự tự tin và đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn do dịch bệnh gây ra, tạo được thế và lực mới cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành nền kinh tế hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là thực thi hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Cần có những chính sách đột phá và khắc phục được những điểm nghẽn về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính trong đầu tư. Cần có các giải pháp hỗ trợ dài hơi hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì tốc độ tăng trưởng dương của nền kinh tế trong năm 2020 và tạo tiền đề bứt phá ở 2021. Riêng đối với TP Ðà Nẵng cần tranh thủ chính sách đẩy mạnh đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng, hiện thực quy hoạch chiến lược phát triển của thành phố. Cần ban hành hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp đặc thù của thành phố, nhất là cần quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, thu hút nguồn lực vào những lĩnh vực ưu tiên.

Cử tri Nguyễn Tiến Quang (Ðà Nẵng)

 

Kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long

Chúng tôi mong muốn Quốc hội có nhiều quyết sách dành cho đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) nói chung có những tháo gỡ khó khăn chung quanh việc phát triển hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi.

Riêng đối với tỉnh Vĩnh Long, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm ban hành những quyết sách về kinh phí, ngân sách, đầu tư nguồn nhân lực hỗ trợ tỉnh trong điều kiện còn khó khăn hiện nay. Cùng với việc phát triển hạ tầng kinh tế, Vĩnh Long đang rất cần phát triển hệ thống thủy lợi và hệ thống giao thông, nhất là quốc lộ 53 và quốc lộ 54 đoạn đi qua Vĩnh Long. Do các tuyến này có tính chất kết nối liên vùng để tạo điều kiện phát triển cho Vĩnh Long nói riêng và ÐBSCL nói chung kết nối thành trục giao thông. Việc triển khai dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ tháo gỡ được nút thắt giao thông khi hai dự án này hoàn thành. Từ đó, tạo điều kiện cho các tỉnh ÐBSCL trong đó có Vĩnh Long có điều kiện phát triển hơn thông qua kết nối giao thông thông suốt, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Cử tri Lữ Quang Ngời

(Phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)