Giúp nhân dân vùng lũ bước vào vụ mới

Mỗi lần cùng bộ đội Hải quân hành quân dã ngoại giúp dân gặt lúa, xây nhà, làm đường giao thông, nạo vét kênh mương... đều để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp về tình quân dân gắn bó. Lần này, cùng bộ đội Lữ đoàn 680 (Vùng 3 - Quân chủng Hải quân), về xã Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam), giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, lũ cũng vậy.

Bộ đội Lữ đoàn 680 giúp nhân dân xã Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) nạo vét cát trên các thửa ruộng sau đợt mưa lũ.
Bộ đội Lữ đoàn 680 giúp nhân dân xã Ðại Ðồng, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) nạo vét cát trên các thửa ruộng sau đợt mưa lũ.

Từ rất sớm, tại Nhà văn hóa thôn Lâm Tây, xã Ðại Ðồng, bà con nhân dân đã có mặt để đón cán bộ, chiến sĩ đơn vị về làm công tác dân vận. Ngay sau những nụ cười, cái nắm tay ấm áp tình quân dân, bộ đội đơn vị bắt tay vào công việc tổng dọn vệ sinh nhà văn hóa, trường mầm non, một số đoạn đường nơi đơn vị đóng quân, ổn định nơi ăn ở để bắt đầu cho những ngày làm việc mới.

Ðồng chí Nguyễn Thị Hồng Vỹ, Chủ tịch UBND xã Ðại Ðồng cho biết: Thời gian qua, mưa bão kết hợp lũ xảy ra trên địa bàn diễn biến phức tạp, kéo dài, riêng xã Ðại Ðồng thiệt hại nặng về mọi mặt. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất đến bà con nông dân là kênh mương, công trình thủy lợi bị đổ và sạt lở, ruộng đồng bị cát sỏi bồi lấp... ước tính hàng nghìn mét kênh mương bị hư hại, hơn 4.000 m3 cát, đá bồi lấp lên ruộng đồng. Với số lượng công việc nhiều, việc khắc phục không phải ngày một, ngày hai, sức dân là rất khó, nhất là các gia đình chính sách, neo đơn, vì vậy rất cần đến sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng.

Sau buổi phát động ra quân khắc phục hậu quả bão lũ, lực lượng của các đoàn thể địa phương phối hợp bộ đội Lữ đoàn 680 khẩn trương nạo vét kênh mương. Dù trời lúc mưa, lúc nắng, bùn lầy, nhưng không khí lao động diễn ra sôi nổi, khẩn trương. Những bụi cây um tùm dọc hai bên bờ mương được bộ đội nhanh chóng dọn sạch, phát quang. Một số đoạn mương sâu, các chiến sĩ xung kích mặc quần đùi, áo lót lội xuống, tay xẻng, tay cuốc vận chuyển bùn, đất khơi thông dòng chảy. Chỉ trong tuần đầu ra quân, 500 m kênh mương đã được nạo vét thông thoáng, bờ kè được đắp cao cùng hàng trăm mét khối cát, sỏi được dọn dẹp.

Thiếu tá Ðặng Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 680 chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ đơn vị về với bà con như về với người thân của chính mình. Dù khó khăn đến mấy bộ đội cũng làm việc nhiệt tình, trách nhiệm để giúp nhân dân vùng lũ kịp bước vào làm vụ Ðông Xuân. Còn Trung sĩ Trần Ðức Hậu, Chiến sĩ nuôi quân tâm sự: Ðây là lần đầu tôi được tham gia lao động giúp nhân dân. Tôi rất vui, vì bà con, cô bác ở đây quý mến bộ đội như người thân trong gia đình. Bởi vậy, dù công việc tuy vất vả nhưng tôi và đồng đội luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hòa cùng không khí lao động sôi nổi, khẩn trương của bộ đội và nhân dân, các hội viên Hội Người cao tuổi của xã cũng luôn có mặt để giúp bộ phận nuôi quân chuẩn bị thực phẩm, bảo đảm cơm chín, nước sôi. Ðầu buổi sáng và cuối buổi chiều, trong các gia đình có bộ đội ở luôn rộn rã tiếng cười, nói của các cháu nhỏ cùng các chú bộ đội. Buổi tối, các cựu chiến binh thường đến kể chuyện chiến đấu, đồng thời cùng chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương bàn bạc triển khai công việc ngày hôm sau.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Ðợt làm công tác dân vận này là dịp để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng tình đoàn kết quân dân bền chặt. Ngoài công việc giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, đơn vị còn phối hợp địa phương tổ chức các hoạt động như: Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thăm, trao quà tặng một số gia đình chính sách; tổ chức giao hữu bóng chuyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ để tạo khí thế vui tươi sôi nổi cho bộ đội sau những giờ lao động hăng say.

Khi đoàn xe ô-tô chở bộ đội lăn bánh rời quê hương Ðại Ðồng trở về đơn vị, bà con nhân dân địa phương có mặt rất đông để chia tay. Những cánh tay vẫy chào, những ánh mắt lưu luyến, nụ cười thật tươi của người dân nơi đây như một lời hẹn lần sau các anh lại về làng cùng bà con tham gia xây dựng nông thôn mới.