Giảm thủ tục, chi phí nhờ cơ chế ủy quyền

Sau hơn nửa năm thực hiện, đề án ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh đã chứng tỏ được nhiều điểm tích cực, mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình thực thi công vụ. Nhiều nhóm công việc đã được rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm được chi phí của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Tuy nhiên, trong thực tế, việc ủy quyền vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn cần sớm khắc phục, tháo gỡ…
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ một cửa của UBND quận 3.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ một cửa của UBND quận 3.

Chủ động và tiết kiệm

Từ đầu năm đến nay, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Bình Tân đã tham mưu UBND quận Bình Tân ban hành gần 900 quyết định thu hồi đất của chín dự án giao thông đô thị và công trình trường học. Đây cũng là một trong những đầu việc được UBND thành phố ủy quyền cho UBND quận Bình Tân cũng như UBND các quận, huyện khác thực hiện, nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong việc thực hiện công tác thu hồi, giải tỏa và đền bù đất đai.

Riêng trong tháng 5 vừa qua, Ban BTGPMB quận Bình Tân đã ban hành 75 thông báo thu hồi đất đối với cá nhân và tổ chức để thành phố đầu tư xây dựng dự án cầu Bà Hom. Ông Phan Thanh Trường (tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo) có nhà, đất nằm trong diện bị thu hồi đất của dự án cho biết: Chỉ sau 30 ngày cán bộ điều tra, khảo sát và đo đạc, UBND quận ban hành thông báo thu hồi đất để người có đất bị thu hồi biết cụ thể hiện trạng nhà đất của mình cũng như các chính sách bồi thường về đất đai. Cách làm này đã giúp chính quyền địa phương công khai, minh bạch và tương tác nhanh hơn để người dân biết chủ trương, chính sách đền bù của Nhà nước đối với người dân.

Trưởng ban BTGPMB quận Bình Tân Lại Phú Cường phân tích: Trước đây, khi chưa thực hiện ủy quyền thì thời gian UBND thành phố ban hành thông báo thu hồi đất đến cá nhân và tổ chức nhanh nhất phải mất hai tháng, có khi nửa năm vì phải chờ UBND quận gửi văn bản tham mưu đến Sở Tài nguyên và Môi trường, sau đó sở này trình UBND thành phố ra thông báo. Sau khi thành phố thực hiện ủy quyền cho UBND quận ban hành quyết định thông báo thu hồi đất thì thời gian đã được rút ngắn rất nhiều, chỉ còn 30 ngày, với quy trình nhanh và gọn.

Tại quận 3, sau khi có cơ chế ủy quyền, Phòng Nội vụ quận đã tham mưu Chủ tịch UBND quận ra quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với 72 cán bộ, công chức là chuyên viên chính. Quyết định ủy quyền của thành phố còn cho phép UBND quận xét phụ cấp nghề, ra quyết định nghỉ hưu và các chế độ khác theo quy định. Việc giải quyết nêu trên chỉ mất khoảng 10 ngày, rút ngắn được hai phần ba thời gian so với quy trình cũ (khoảng 30 ngày), do không phải trình qua Sở Nội vụ và UBND thành phố, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức…

Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Quang Bá cho biết: Việc ủy quyền, giao việc về cơ sở đã tạo được sự thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân, đồng thời giúp quận chủ động hơn trong công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính…

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm cho biết thêm: Việc ủy quyền đã giúp các sở, ngành, UBND cấp huyện chủ động hơn trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, nâng cao hiệu quả công việc ở từng cơ quan, đơn vị. Việc ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết vì giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí hành chính, văn thư và thời gian, chi phí đi lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp…

Cần tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện ủy quyền vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc ủy quyền của cấp sở cho cấp huyện. Cụ thể, tinh thần của Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh) là cho phép ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới triển khai việc UBND thành phố ủy quyền cho các sở, ngành, UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn. Trong khi đó, cấp sở với cấp huyện và cấp huyện với cấp xã vẫn chưa thiết lập được cơ chế ủy quyền.

Một vướng mắc khác là hiện nay, rất nhiều thủ tục liên quan nhà đất đang vướng giữa chi nhánh và văn phòng đăng ký đất đai (cấp huyện và cấp thành phố). Mặc dù thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố đẩy mạnh việc ủy quyền nhưng vẫn không giải quyết được một cách triệt để, tình trạng hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất giải quyết chậm trễ hoặc quá hạn vẫn phổ biến.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chỉ có giám đốc Sở mới có thẩm quyền ký văn bản cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại các bệnh viện, đơn vị thuộc Sở đi nước ngoài (việc công hoặc việc riêng), với thời gian dưới ba tháng. Trong khi đó, số lượng người có điều kiện và nhu cầu đi nước ngoài ngày càng tăng cao, gây quá tải cho giám đốc Sở. Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu cần cho phép phân cấp, ủy quyền cho lãnh đạo các bệnh viện, cơ quan, đơn vị thuộc Sở được phê duyệt việc đi nước ngoài…

Đồng chí Trương Văn Lắm cho biết, UBND thành phố chưa ban hành kịp thời một số nội dung hướng dẫn liên quan đất đai, môi trường, quản lý nhà do đang được rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung ủy quyền có liên quan hoặc đang hoàn chỉnh. Nội dung hướng dẫn về quản lý chợ chưa cụ thể cho nên UBND các quận, huyện còn lúng túng trong tổ chức thực hiện. Phần lớn các cơ quan, đơn vị vẫn chưa xác định rõ đã rút ngắn thời gian được bao nhiêu (ở từng công việc cụ thể) so với trước khi được ủy quyền; chưa đánh giá được mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp sau khi các cơ quan, đơn vị được ủy quyền đối với các nhiệm vụ được ủy quyền có phát sinh hồ sơ…

Để đề án ủy quyền phát huy được hiệu quả cao trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Thành phố sẽ thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, kịp thời điều chỉnh các quyết định về ủy quyền của UBND thành phố cho phù hợp. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai tuyên truyền, quán triệt và rà soát việc phân công, bố trí công chức, viên chức giải quyết các nhiệm vụ được ủy quyền ngày càng phù hợp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị sẽ xây dựng quy trình nội bộ giải quyết hồ sơ cho từng nội dung được ủy quyền để phân công và xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết để rút ngắn thời gian xử lý, góp phần cải cách hành chính. Đối với nội dung đề xuất ủy quyền mới, phải đánh giá thật kỹ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để khắc phục tình trạng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhưng không phát sinh hồ sơ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chủ động, mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất những nội dung ủy quyền mới, giảm sự lệ thuộc ý kiến của Sở Nội vụ hoặc các sở, ngành liên quan để giảm được thời gian chờ ý kiến của UBND thành phố; hướng dẫn kịp thời để các cơ quan, đơn vị và cán bộ thừa hành triển khai thực hiện nhanh vào thực tế…