Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đổi mới tư duy, hành động của cán bộ cơ sở

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi nguồn lực phát triển ở những khu vực còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhờ đó, tại một số địa bàn đã ghi nhận những nét đổi thay tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.

Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Sơn Vĩ là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc bởi diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đồi trọc và núi đá có độ dốc cao, khó khăn từ đi lại cho tới canh tác, sản xuất. Hơn một nửa số hộ trong xã là hộ nghèo, người dân tộc Mông chiếm 83% số dân toàn xã. Nghèo và trình độ dân trí thấp là thách thức lớn đối với xã khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Trần Quang Minh cho biết: Không chỉ người dân mà một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng về xây dựng nông thôn mới, còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhằm thay đổi nhận thức, thúc đẩy tinh thần chủ động của cán bộ xã, Huyện ủy đã có sự chỉ đạo sát sao, cộng với cơ chế, chính sách linh hoạt, đồng thời yêu cầu các phòng ban chuyên môn của huyện tận tình hướng dẫn cán bộ xã những nội dung về xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, Sơn Vĩ có sự chuyển biến mạnh, bắt đầu từ phong trào Ngày thứ bảy, cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Công trình đường nối từ thôn Tù Lủng và thôn Trù Sán tới tuyến đường chính về trung tâm xã thường được người dân nhắc tới khi nói về đổi thay ở địa phương. Con đường dài gần 4 km, nằm bên vách đá cheo leo, không phương tiện nào qua được. Bao đời nay, người dân ở hai thôn ước mơ có đường để đi lại đỡ vất vả. Nhưng nguồn lực có hạn, công trình lại không trong diện ưu tiên đầu tư.

Thế rồi Huyện ủy Mèo Vạc chỉ đạo phát huy tinh thần tự lực, yêu cầu cán bộ xã tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động. Xã đã huy động được hàng nghìn lượt người góp công sức đập đá san gạt mở rộng diện tích mặt đường. Đồng thời, huyện và xã tích cực kết nối với các đoàn công tác, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vận động ủng hộ tiền, vật tư để bê-tông hóa con đường này. Ngày khánh thành, nhìn người dân phấn khởi đi xe đạp, xe máy ngược xuôi, Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Khánh xúc động nói: “Chẳng mấy mà đời sống của hai thôn nghèo nhất xã này được nâng lên vì giao thông thuận tiện, người lớn mưu sinh dễ hơn, trẻ con đến trường đều hơn, điều kiện vật chất và tinh thần của các hộ dân sẽ được cải thiện nhanh chóng…”.

Đối với xã Niêm Sơn, Huyện ủy Mèo Vạc thúc đẩy sự chủ động của đội ngũ cán bộ từ việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, phát triển sản xuất lúa nước, coi đây là khâu đột phá. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, UBND xã xây dựng đề án phát triển lúa chất lượng cao tại thôn Bản Tồng (diện tích hơn 32 ha) giai đoạn 2016-2020; phát triển diện tích trồng rau tại các thôn Bản Tồng, Bản Tại, Nà Tiềng. Để bảo đảm điều kiện sản xuất, xã tập trung đầu tư các công trình thủy lợi với 11 tuyến kênh, mương (dài hơn 7 km). Đáng chú ý, xã thực hiện chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, hình thành được nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như: Nuôi cá rô phi, nuôi gà thả vườn, trồng hành tím vụ đông kết hợp kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch theo hướng hàng hóa…; vận động nhân dân duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống.

Các địa phương đã trải qua không ít khó khăn do trình độ, năng lực của cán bộ xã, thôn còn hạn chế hoặc là người địa phương cho nên vướng các mối quan hệ họ hàng…, dẫn đến lúng túng, chậm trễ khi xử lý công việc. Giải pháp của huyện là đánh giá mức độ quyết liệt của cán bộ trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường luân chuyển cán bộ nhằm tạo ra động lực mới. Nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã đã được luân chuyển, điều động để thử thách trong môi trường mới, phát huy sở trường, năng lực, góp phần chuyển biến tình hình ở địa phương. Thí dụ như Trưởng phòng Nông nghiệp huyện được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Niêm Sơn; Bí thư Đảng ủy xã Niêm Sơn sang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Niêm Tòng. Chủ tịch UBND xã Xín Cái sang làm Chủ tịch UBND xã Sủng Máng; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Vĩ sang giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xín Cái…

Bồi dưỡng trình độ và năng lực thực tiễn

Phó trưởng Ban Tổ chức - Nội vụ Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Hải Lý cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi khó khăn, người dân tộc thiểu số chiếm số đông, trình độ học vấn của cán bộ, công chức còn thấp; người có bằng từ trung cấp, đại học trở lên ít, nhất là huyện vùng cao, vùng xa. Những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền dành nhiều sự quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở. Nhờ đó, trình độ kiến thức mọi mặt của cán bộ, công chức đã được nâng lên. Ở cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức là 4.242 người, trong đó khoảng 65% có trình độ thạc sĩ, đại học và cao đẳng. Bên cạnh việc nâng cao trình độ kiến thức, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp xã nhằm tăng tính chủ động, bồi dưỡng năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, có sự giám sát chặt chẽ để chống việc lạm quyền dẫn đến vi phạm.

Bài học từ huyện Bắc Quang là kinh nghiệm chung cho các địa phương. Tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh Hà Giang) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Chủ tịch UBND xã Vô Điếm, Chủ tịch UBND xã Việt Vinh về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, thực hiện chủ trương của Chính phủ về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, trong hai năm 2016 và 2017, Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng huyện Bắc Quang phối hợp các xã triển khai ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên với các hộ dân ở các xã trong huyện. Quá trình thực hiện, Ban Quản lý thực hiện không đúng trình tự dự án. Một số đối tượng trong khi giải ngân đã thông đồng cán bộ UBND xã giữ lại tiền công bảo vệ rừng của các hộ dân để chiếm đoạt từ 30 đến 40% tổng số tiền được nhận.

Bí thư Đảng ủy xã Việt Vinh Phạm Văn Trình chia sẻ, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy xã thiếu sự kiểm tra, giám sát, cho nên đã không phát hiện kịp thời sai phạm. Đảng ủy xã đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc và xác định thời gian tới phải chú trọng thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời chỉ đạo làm tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền; triển khai kế hoạch tổ chức đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy xã với nhân dân trên địa bàn. Nói chung, phải phát huy đầy đủ các kênh giám sát, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi lạm quyền, làm sai quy định. Tuy nhiên, cũng phải bảo đảm không làm mất tính chủ động, chưa làm đã sợ sai của cán bộ.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, đồng chí Hoàng Quang Phùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Quang cho biết: Huyện tập trung vào hai hình thức là đào tạo truyền thống và đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tức là huyện xây dựng những chuyên đề đào tạo theo chức danh rồi gửi xuống cơ sở. Dựa vào thực tiễn hoạt động, các đồng chí tự thấy yếu việc nào thì đăng ký học chuyên đề đó. Với từng vị trí, lĩnh vực chuyên môn nhất định, khi cán bộ nắm rõ nguyên tắc làm việc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định pháp luật liên quan sẽ đạt hiệu quả và hạn chế mắc vi phạm.

Huyện tăng cường luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn ở huyện về xã (thí dụ đồng chí Phó Ban Tổ chức - Nội vụ huyện về làm Chủ tịch UBND xã Việt Vinh). Người lãnh đạo vững chuyên môn thì thông qua chỉ đạo công việc cũng có tác dụng bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ cán bộ thuộc quyền. Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn (như nguồn chi trả ngân sách, vốn đầu tư các dự án…) nhằm phát hiện kịp thời và ngăn chặn hiệu quả các vi phạm.

Đối với huyện Mèo Vạc, Bí thư Huyện ủy Trần Quang Minh cho biết, các đồng chí trong Ban Thường vụ được phân công theo dõi địa bàn xã; một năm ít nhất hai lần phải xuống cơ sở trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo công việc. Từ năm 2019, Huyện ủy phân công các đồng chí huyện ủy viên dự sinh hoạt chi bộ thôn. Thí dụ, bí thư huyện ủy phụ trách bảy thôn, mỗi tháng ít nhất phải dự sinh hoạt chi bộ tại hai thôn khác nhau, để làm sao trong một năm có hai lần xuống dự sinh hoạt chi bộ tại một thôn. Có như vậy, lãnh đạo cấp trên mới sát sao được tình hình cơ sở, để kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện sai phạm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc…

Năm 2019, tỉnh Hà Giang tiếp tục có kế hoạch đào tạo trình độ đại học cho cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với từng chức danh đảm nhiệm, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước, kiến thức tin học, tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn để tuyển dụng cán bộ cấp xã cũng được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn và ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong tình hình mới.