Dân với Đảng

Cần ý thức rõ mình là ai

Gần đây, mạng xã hội lan truyền nhiều vi-đê-ô phản ánh tình trạng thiếu văn hóa trong ứng xử nơi công cộng. Ðáng tiếc, trong số đó, có những hành xử thiếu chuẩn mực, phản cảm của không ít cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Nhiều người có địa vị xã hội, có học vấn cao nhưng tự cho mình quyền được "đứng" trên người khác. Bản thân họ không ý thức được mình là ai, càng không ý thức rằng, mình là người phục vụ nhân dân.

Ðó là sự việc một đại úy công an quận Ðống Ða, Hà Nội quát nạt, mạt sát nhân viên hàng không tại sân bay; một đồng chí trưởng công an xã ở huyện Krông Ana, tỉnh Ðác Lắc đá tung chậu cá của người bán hàng khi đi dẹp nạn chợ cóc. Hay chuyện nữ bí thư chi bộ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Ðác Nông tỏ thái độ hách dịch, ăn nói kiểu "chợ búa", xưng mày - tao với người dân, chị này có trình độ tiến sĩ, được cho là có học vị cao nhất tại UBND thị xã. Và mới đây, một phó chủ tịch UBND xã ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) dẫn đầu tổ công tác hơn 10 người lên nhổ cây keo lấy gỗ của các hộ dân trên đồi. Khi nhổ được gần 3.000 cây trên diện tích khoảng 1 ha thì người dân phát hiện và yêu cầu dừng lại. Dù vị cán bộ này giải trình là đã có thông báo đến các hộ dân, nhưng việc người dân có nhận được thông báo hay không, đồng thuận hay chưa, thì cán bộ xã lại không cần biết mà đã cho người phá tài sản của người dân.

Về cơ bản, theo văn hóa ứng xử thông thường, những sự việc tương tự đã khó chấp nhận; với cán bộ, đảng viên, công chức của các cơ quan công quyền càng cần phải lên án, không thể biện minh "vì áp lực công việc" mà hách dịch, cửa quyền. Về khung pháp lý, đã có những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; có Luật Công chức quy định cụ thể vấn đề gương mẫu trong ứng xử với cộng đồng. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đều xây dựng bộ tiêu chí quy định chuẩn mực đạo đức công vụ. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với công chức,
viên chức.

Nhưng suy cho cùng, để các quy định, quy tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn đi vào đời sống, cần sự tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi người. Vị trí càng cao, học vị càng rộng, càng cần ý thức rõ trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ tập thể, cộng đồng để điều chỉnh thái độ, hành vi phù hợp. Mỗi người đều cần ý thức rõ mình là ai để xây dựng văn hóa công vụ.