Cần tầm nhìn và giải pháp tốt trong công tác dân số

Phát huy lợi thế của cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân cư hợp lý... là nhân tố quan trọng, góp phần tạo động lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ công tác này, nhiều tỉnh, thành phố, điển hình mới đây là tỉnh Bạc Liêu đã ban hành, triển khai trong toàn tỉnh Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030. Các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh cùng thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục tiếp tục tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình; bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế; 90% người vị thành niên, thanh niên được cung cấp, cập nhật kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản; tập trung tuyên truyền về vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới. Tỉnh cũng có kế hoạch đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ truyền thông, báo cáo viên, tuyên truyền viên, các ngành, các địa phương... hướng mạnh vào mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
 
 Nhiều địa phương hiện nay chưa đặt đúng vai trò, vị trí của công tác dân số, chưa có chương trình, kế hoạch khoa học, đồng bộ, chưa có sự đầu tư thỏa đáng thể hiện tầm nhìn trong giải quyết các vấn đề dân số tại địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính, việc vi phạm luật hôn nhân chậm được khắc phục; công tác truyền thông dân số không được đầu tư và tiến hành kém hiệu quả.
 
 Thiết nghĩ, các địa phương nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần tiếp tục quán triệt và có chương trình, kế hoạch, nội dung lĩnh vực công tác này, bảo đảm đưa chủ trương, mục tiêu về dân số, kế hoạch hóa gia đình vào thực tiễn. Theo đó, vấn đề dân số cần được xác định thành một nhiệm vụ, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép các mục tiêu dân số và phát triển vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội do địa phương quản lý. Đồng thời cần coi trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từng địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục về công tác truyền thông dân số, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.