Tiếng nói từ cơ sở

Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Trà Vinh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao nhất cả nước, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh với hơn 320 nghìn người. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã dồn sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer.

Tỉnh đề ra các mục tiêu, giải pháp phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Hộ Khmer nghèo được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện. Qua 5 năm, tỉnh đã hỗ trợ gần 2.900 hộ Khmer phát triển sản xuất, hỗ trợ hơn 37 nghìn hộ được sử dụng điện.

Tỉnh cũng ưu tiên các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào Khmer. Các cấp, các ngành trong tỉnh cùng vào cuộc trong việc đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2016 - 2018, gần 10 nghìn hộ dân tộc Khmer trong tỉnh đã thoát nghèo. Công tác giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh ưu tiên thực hiện, tạo mọi điều kiện cho học sinh Khmer đến trường, nâng cao trình độ học vấn, mở rộng cơ hội phát triển cho con em đồng bào.

Tại nhiều diễn đàn mới đây cho thấy, phát triển toàn diện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại nhiều địa phương đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở nhiều vùng đồng bào DTTS chưa đi vào cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, cải thiện chậm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp chưa được phát huy đầy đủ.

Để tạo ra những chuyển biến tích cực, mang tính đột phá trong hoạt động hỗ trợ và nâng cao mức sống của người dân tại các địa phương có đông đồng bào DTTS, trước hết cấp ủy, chính quyền cần có quyết tâm chính trị, giải pháp đồng bộ bảo đảm triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, dự án hỗ trợ, đầu tư đối với vùng và hộ đồng bào DTTS. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, trước hết là cấp ủy, chính quyền; quá trình này phải gắn liền với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ, bảo đảm đủ năng lực, tham gia các chức vụ chủ chốt ở cấp ủy, chính quyền các cấp.

Các địa phương cần tích cực vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực để chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương. Đấu tranh, phê phán với những biểu hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư tưởng cổ hủ, lạc hậu ở từng hộ gia đình đến từng tổ chức, từng cấp, từng ngành cần được đặt đúng vị trí trong hệ giải pháp, từng bước đi của quá trình triển khai, thực hiện lĩnh vực công tác này.