Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cách làm sáng tạo ở Hà Nam

Tìm hiểu về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Ðảng bộ Hà Nam, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đã trở thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, việc học tập và làm theo Bác có sức lan tỏa rộng lớn với nhiều tấm gương cụ thể, thiết thực.

Tỉnh ủy Hà Nam tuyên dương các tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo Bác.
Tỉnh ủy Hà Nam tuyên dương các tập thể và cá nhân trong học tập và làm theo Bác.

Để tạo sự chuyển biến thật sự về hành động, khắc phục tình trạng “nói không đi đôi với làm”, tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp ủy đảng xây dựng các mô hình điểm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 mô hình điểm các cấp. Các mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực về hành động của các cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong việc tự giác, thường xuyên học tập và làm theo Bác.

Kế thừa và phát huy mô hình điểm năm 2018 về “Cải cách hành chính, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”, năm 2019, Huyện ủy Bình Lục tiếp tục triển khai mô hình điểm “Ngày thứ bảy với dân” tại Ðảng bộ thị trấn Bình Mỹ. Mô hình này đã hoạt động gần một năm và được đánh giá cao bởi mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Chúng tôi về xã An Mỹ, huyện Bình Lục vào một sáng thứ bảy, đúng ngày lao động dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm của cán bộ và nhân dân trong xã. Không khí lao động vui vẻ, hòa đồng giữa cán bộ và nhân dân tạo không khí gần gũi, gắn kết các công việc khác của làng, xã và cả của mỗi gia đình. Những công việc khó được cán bộ xã, cán bộ thôn cùng trao đổi, giải quyết thỏa đáng ngay từ cơ sở.

Một trong những lý do cơ bản để Huyện ủy Bình Lục thực hiện tốt nội dung gần dân, sát dân, tránh bệnh hình thức là yêu cầu cán bộ phải xuống cơ sở để lắng nghe, tìm hiểu đời sống nhân dân, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của người dân để kịp thời tháo gỡ. Việc cụ thể hóa Chỉ thị 05 qua mô hình “Ngày thứ bảy với dân” gần dân, sát dân, quan tâm chăm lo đời sống các gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn của Huyện ủy Bình Lục đã phát triển và nhân rộng ra toàn huyện, tạo ấn tượng tốt về hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân.

Là một trong những xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Nam, giờ đây, Mộc Bắc được chọn để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Duy Tiên. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã và đang là một chủ trương đúng khi đội ngũ cán bộ trân trọng sự tự giác của nhân dân, nhân dân tin tưởng vào sự tận tâm, nhiệt tình của cán bộ. Kết quả được thể hiện qua từng con đường rộng mở từ sức dân, những cánh đồng lúa trĩu bông, vườn cây nhiều trái, qua đời sống ngày một nâng cao và niềm tin của người dân vào chủ trương đúng của Ðảng, ở cách làm hiệu quả của địa phương.

Về Mộc Bắc hôm nay, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi không gian làng quê xanh mát với những đường làng, ngõ xóm được đổ bê-tông, hai bên đường làng được nhân dân trồng hoa rực rỡ. Vóc dáng làng quê nông thôn mới với hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản, khang trang, nhiều khu biệt thự nổi bật giữa làng quê. Quan tâm cải thiện hạ tầng nông thôn, đồng thời với việc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, chính là mục tiêu của Ðảng ủy và chính quyền địa phương. Phát huy thế mạnh từ đồng đất, người dân Mộc Bắc đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa khoa học - kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt và chăn nuôi. Mộc Bắc giờ đã có nhiều hộ khá và giàu, thu nhập bình quân toàn xã năm 2018 là 43,87 triệu đồng/người.

Việc Hà Nam triển khai học tập nghiêm túc các nội dung của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi cá nhân khi tự soi lại mình qua những việc làm đều dễ dàng nhận ra đây chính là cơ hội để tu dưỡng rèn luyện tư tưởng chính trị, đổi mới tác phong công tác để trở thành người cán bộ, đảng viên tốt.

Câu chuyện ở xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) là một thí dụ về việc nêu gương của người đứng đầu. Ðể thực hiện được điều này, từ cấp xã đến cấp thôn đều quan tâm, thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại với nhân dân. Nhờ vậy, nhiều công trình lớn trên địa bàn xã đã nhận được sự đồng thuận từ người dân. Nhiều năm qua, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xã Thanh Sơn luôn dẫn đầu trong khối thi đua các xã, thị trấn của huyện Kim Bảng.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và công việc cụ thể mà mỗi chúng ta có được những cách làm và hiệu quả khác nhau, nhưng học và làm theo Bác sẽ giúp mỗi con người tự hoàn thiện mình và khát khao cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, cho cộng đồng. Ðó là tâm sự của Ðại tá Phạm Kiên Cường, Trưởng Công an huyện Duy Tiên. Nhiều năm qua, bằng trách nhiệm và sự tận tâm của mình, anh có nhiều chiến công, được đồng nghiệp ghi nhận, nhân dân yêu quý.

Trong bước chuyển mình của huyện trọng điểm nông nghiệp Lý Nhân, luôn ghi nhận những đóng tích cực của nhiều nông dân làm kinh tế giỏi. Họ là những người yêu đất, yêu làng, trong đó có thanh niên trẻ Trần Ngọc Hiếu ở xóm 7, thị trấn Vĩnh Trụ, đã dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp từ lĩnh vực mà cá nhân chưa một lần làm thử. Ðam mê với trồng trọt khi đã qua nhiều nghề, bắt đầu bằng cây ăn trái, đến rau xanh và bây giờ là hệ thống rau, củ, quả hàng hóa trồng trong nhà lưới. Bắt nhịp xu thế của thị trường, mô hình nông nghiệp sạch của hợp tác xã Bảo An do anh Hiếu làm chủ đã tạo được lòng tin với thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều mặt hàng nông sản của anh đã được giao trực tiếp cho các doanh nghiệp trong đó có VinEco và hệ thống các siêu thị của Vinmart, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tỉnh Hà Nam có nhiều đổi mới, sáng tạo. Việc làm theo ngày càng gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, với công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Qua đó, đem lại những chuyển biến rõ rệt trong xây dựng phong cách, tác phong công tác, ý thức tôn trọng nhân dân của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

Những kết quả thiết thực đó đã góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Ðảng các cấp, nhất là trong thực hiện ba khâu đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Ðại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra. Ðến nay, Hà Nam đã cơ bản hoàn thành tất cả 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Toàn tỉnh có 91 trong số 98 xã, ba trong số năm huyện và thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,73%.