Bí thư cấp ủy đối thoại với người dân - hiệu quả và những bất cập

Việc người đứng đầu cấp ủy chủ động đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân theo Quy định số 11-QÐi/TW (Quy định số 11) ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị thời gian qua ở các địa phương đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hiệu quả của việc thực hiện chủ trương này là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

 Người dân TP Bến Tre trong buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Người dân TP Bến Tre trong buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Chủ động đối thoại, giải quyết kiến nghị

Khác với lần gặp trước tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Ninh Bình, trong buổi gặp lại bác Trần Văn Bình, bác Vũ Văn Hưng ở xóm 13, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn mới đây, chúng tôi thấy mọi người đều vui vẻ. Hai bác cho biết, chỉ vài ngày sau buổi đối thoại trực tiếp với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện đã về gặp gỡ, thông báo "sát góc, tận bờ" kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của hai bác. Hai bác không còn phải mất công đi khiếu nại, đồng thời rút hết đơn thư đã gửi các cấp, các ngành.

Vào trang web của Ðảng bộ tỉnh Ninh Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình hoặc đến Trụ sở Tiếp công dân tỉnh Ninh Bình bất cứ lúc nào cũng dễ dàng cập nhật lịch tiếp dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để đăng ký nhu cầu theo hướng dẫn của Ban Tiếp công dân tỉnh. Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe công dân trình bày hồ sơ, tài liệu liên quan nội dung phản ánh, kiến nghị, KNTC, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại, giải thích, giải quyết ngay đối với những nội dung có căn cứ rõ ràng, cụ thể, thuộc thẩm quyền. Với nội dung phản ánh, kiến nghị, KNTC liên quan các cơ quan, đơn vị, đồng chí yêu cầu đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp trả lời công dân; khẩn trương giải quyết nội dung thuộc thẩm quyền; báo cáo kết quả với đồng chí, đồng thời thông báo cho người phản ánh, kiến nghị, KNTC theo đúng quy định của Tỉnh ủy.

Ðồng chí Lưu Danh Tuyên, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, thực hiện Quy định số 11, Tỉnh ủy Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, trên tinh thần bảo đảm cao nhất quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân. Ðịnh kỳ hằng quý, hằng năm hoặc đột xuất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với các đồng chí bí thư thành ủy, huyện ủy và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tình hình, kết quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân. Ngoài việc tiếp dân vào ngày thứ tư của tuần thứ nhất hằng tháng, qua nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chủ động chọn địa điểm và bố trí thời gian phù hợp để tiếp xúc, đối thoại trực tiếp theo chuyên đề. Quán triệt tinh thần này, các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy cơ sở ra quy chế để thực hiện, báo cáo định kỳ cấp ủy cấp trên.

Cùng với nghiêm túc thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hậu Giang duy trì việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, mỗi người ít nhất hai lần/năm. Cấp tỉnh, huyện tổ chức tại xã, phường, thị trấn. Cấp cơ sở tổ chức trên địa bàn ấp, khu dân cư. Gần đây, chúng tôi được chứng kiến buổi đối thoại khá thẳng thắn, cởi mở giữa người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang với gần 400 người dân các xã Tân Thành, Ðại Thành, Hiệp Lợi và phường Ngã Bảy (TP Ngã Bảy). Các ý kiến (cả những ý kiến của người dân được Tổ giúp việc của Tỉnh ủy thu thập trước buổi tiếp xúc) đều được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy trả lời rõ ràng, rành mạch. Với những vấn đề, vụ việc cần có thời gian xác minh, làm rõ, lãnh đạo tỉnh giao lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời trực tiếp đầy đủ với người dân hoặc bằng văn bản và niêm yết công khai tại nhà văn hóa ấp, khu phố, nơi tiếp xúc, đối thoại. Ðồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong buổi đối thoại, một số kiến nghị, đề xuất của nhân dân cần có lộ trình, thời gian để thực hiện, như: đầu tư làm đường giao thông, ô nhiễm môi trường, đều được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu rõ các biện pháp, phương thức tiến hành phù hợp.

Tham gia buổi tiếp xúc, bác Nguyễn Thanh Hùng ở khu phố Xẻo Vông C, phường Hiệp Lợi và nhiều người dân theo dõi cuộc đối thoại qua hệ thống phát thanh trực tiếp của TP Ngã Bảy, bày tỏ: Chúng tôi rất hài lòng về việc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các cấp trả lời, giải đáp, giải quyết có tình, đúng lý các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Qua đây, chúng tôi có dịp hiểu rõ hơn chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ hơn trách nhiệm công dân của mình và gia đình đối với hàng xóm, cộng đồng, với địa phương, nhất là chú trọng nêu gương, giáo dục con cháu chăm ngoan học tập, lao động, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Trách nhiệm đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11 của Bộ Chính trị được nhiều địa phương tiến hành qua các mô hình sáng tạo, như: Ngày thứ sáu của tuần cuối tháng nghe dân nói; đối thoại với người nghèo; đối thoại với người hoạt động không chuyên trách, với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, với đoàn viên, thanh niên, với doanh nghiệp ở các huyện, TP: Ngã Bảy, Vị Thanh, Vị Thủy, Châu Thành của tỉnh Hậu Giang và nhiều địa phương thuộc tỉnh Ðồng Tháp, Bến Tre. Huyện ủy Kim Sơn (Ninh Bình) tổ chức đối thoại với bí thư chi bộ trực thuộc các đảng bộ xã, thị trấn; với trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận; bí thư chi đoàn thôn, xóm, chi hội trưởng các đoàn thể ở khu dân cư; hiệu trưởng các trường học, trạm trưởng y tế xã. Chia sẻ những cái "được" qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các đồng chí Hoàng Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn (Ninh Bình) và Lý Hùng Em, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vị Thủy (Hậu Giang) cho rằng: Chủ động tiếp xúc, đối thoại giúp chúng tôi hiểu người dân hơn, có được nhiều thông tin quý từ cơ sở để giải quyết ngay các vấn đề khi chưa trở nên phức tạp; kịp thời tham mưu, bổ sung, điều chỉnh để chủ trương, chính sách sát thực tiễn, hợp lòng dân. Ðây cũng là kênh giám sát quan trọng để phòng, chống những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tổ chức đảng, đảng viên; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại

Việc người đứng đầu cấp ủy chủ động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân ở các tỉnh nêu trên thời gian qua cho thấy rõ sự coi trọng, bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai trong công tác tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị, giải quyết đơn thư của người dân. Qua đó làm giảm đơn thư KNTC vượt cấp và tình trạng tụ tập tại trụ sở các cơ quan nhà nước để tái khiếu nại và tố cáo. Hơn một năm thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị đến nay, các đồng chí bí thư cấp ủy của tỉnh Ninh Bình đã có hơn 900 buổi tiếp dân, xử lý, chỉ đạo giải quyết xong 1.350 vụ việc, không có vụ việc bị trễ thời gian theo quy định. Tỉnh Bến Tre chỉ đạo giải quyết xong 498 trường hợp; đang đôn đốc giải quyết số vụ việc còn lại. Năm 2019, toàn tỉnh Hậu Giang tiếp nhận 419 đơn khiếu nại (giảm 134 đơn so năm 2018); 15 đơn tố cáo (giảm năm đơn). Ngoài việc trả lời tại buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương của Hậu Giang đã niêm yết trả lời gần 23.500 (gần 100%) ý kiến, kiến nghị tại các trụ sở hành chính cấp xã, nhà văn hóa ấp, khu vực trên địa bàn.

Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và các hình thức tương tự đều thể hiện sự khéo léo, linh hoạt trong công tác dân vận, là sự đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của cấp ủy, người đứng đầu, nhằm tạo đồng thuận ý Ðảng, lòng dân. Tuy nhiên, việc thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị ở một số địa phương, còn bộc lộ một số hạn chế. Ðó là, nội dung buổi đối thoại còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội, chưa rõ tính đối thoại, chưa gợi mở cho người dân tham gia chất vấn về những vấn đề liên quan ở cơ sở và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa tích cực đối thoại. Việc áp dụng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước trong tiếp dân và xử lý đơn thư của công dân còn cứng nhắc, chưa thật sự quan tâm quyền lợi hợp pháp của người dân, làm cho người dân vẫn tiếp tục có ý kiến, dù ý kiến đó đã được trả lời dứt điểm từ các buổi đối thoại và kỳ tiếp xúc cử tri trước đó. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nhận thức về pháp luật nói chung và Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại Tố cáo ở nhiều nơi, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, cho nên người chủ tọa và người tham gia đối thoại nhầm lẫn về nội dung, mục đích của phản ánh, kiến nghị KNTC. Một số nơi tổ chức đối thoại nhưng ít người dân tham gia, vắng đại diện cơ quan cấp huyện, nhất là các đơn vị liên quan công tác tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các thông báo kết luận của đồng chí bí thư cấp ủy sau cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa được thực hiện tốt và thường xuyên.

Ðồng chí Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, tình hình KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự. Khiếu kiện đông người có thể phát sinh chủ yếu là yêu cầu bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư tại các dự án đã được thực hiện trước khi ban hành Luật Ðất đai năm 2013; vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, quản lý trật tự đô thị,… Do đó, để nâng cao hiệu quả của việc chủ động tiếp xúc, đối thoại với dân, các cấp ủy cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, đông người. Khi phát sinh những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân hoặc KNTC phức tạp thì người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải nghiên cứu sâu từng vấn đề, trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời theo đúng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, không để tạo thành điểm nóng, gây ảnh hưởng xấu tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, nhất là đối với những vụ việc KNTC đông người, vượt cấp, phức tạp, kéo dài; cần có hướng dẫn cụ thể đối với những vụ việc công dân kiến nghị, KNTC mà những vụ việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, có lý, có tình nhưng vẫn tiếp tục khiếu kiện; hoặc các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện không đạt mục đích thì quay sang tố cáo người giải quyết. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho những người làm công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.