TIẾNG NÓI TỪ CƠ SỞ

Khai thông "điểm nghẽn"

Thực tiễn chỉ rõ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư là khâu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu nghị quyết đại hội Ðảng các cấp sớm đi vào cuộc sống.

Tại nhiều diễn đàn mới đây cho thấy, cải cách TTHC vẫn là vấn đề "nóng", với nhiều hạn chế, bất cập điểm nghẽn được nêu ra, như: Việc công khai TTHC có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, đầy đủ; còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; nhóm TTHC liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong giải quyết một số công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức còn rườm rà, phức tạp, gây nhiều bức xúc, là rào cản đối với sự phát triển.

Cũng như nhiều địa phương, tỉnh Phú Yên mới đây đã thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, trong giải quyết TTHC, với nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, tỉnh đã tổ chức công bố danh mục TTHC; thực hiện mô hình hẹn giờ giao dịch theo yêu cầu. Theo đó, thay vì chờ đợi đến lượt giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa, các cá nhân, tổ chức được lựa chọn một trong các hình thức như: Gọi điện thoại, gửi tin nhắn hoặc gửi thư điện tử đến cơ quan nhà nước để hẹn giờ đến giao dịch. Theo mô hình này, chậm nhất trong vòng bốn giờ làm việc kể từ khi nhận được thông tin, cơ quan giao dịch có trách nhiệm kiểm tra thông tin, xác nhận hẹn lịch giao dịch. Tỉnh Phú Yên cũng ban hành, triển khai quy định xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC có sai sót, chậm hạn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 1-6-2020 đến nay, trong số 245 TTHC thuộc 47 lĩnh vực được tỉnh công bố, nhiều TTHC cắt giảm được thời gian giải quyết TTHC từ 33% đến 40%, một số TTHC có thời gian giải quyết từ 15 ngày đến 30 ngày cắt giảm được tới 50% đến 60% thời gian giải quyết... Kết quả dư luận xã hội đánh giá cao.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, Chính phủ chỉ đạo đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn gây nhiều bức xúc, là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Rõ ràng, CCHC thể hiện trách nhiệm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các bộ, ngành, địa phương từ Trung ương đến cơ sở. Ðó là việc tăng cường kiểm tra TTHC, rà soát kiến nghị sửa đổi những quy định về TTHC không còn phù hợp gây vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Ðồng thời, bài học rút ra từ nhiều địa phương trong CCHC cũng cho thấy cần tập trung nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đồng bộ, khả thi; rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, những điểm nghẽn trong CCHC gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Gắn liền thực hiện đơn giản hóa, công khai, minh bạch mọi TTHC tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, quá trình cải cách TTHC từ cơ sở, phụ thuộc rất lớn vào thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cấp xã, từ đó đặt ra yêu cầu các địa phương cần tập trung xây dựng đội ngũ CBCCVC cấp xã ngang tầm nhiệm vụ. Ðồng thời, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tăng cường các cuộc đối thoại, lấy ý kiến của cá nhân, doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị; đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội do MTTQ chủ trì, từ đó sớm phát hiện được những khó khăn, hạn chế, ban hành kịp thời các giải pháp trong quá trình cải cách TTHC theo thẩm quyền; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân của CBCCVC ảnh hưởng tới tiến trình, mục tiêu CCHC của từng cơ quan, đơn vị, địa phương...

Lê Thụy Anh