Thúc đẩy kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19

Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 400.000 người. Thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh.

Một buổi sinh hoạt giới thiệu mô hình kinh tế hiệu quả tại chùa bâng Tone Sa (xã Viên An, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng).
Một buổi sinh hoạt giới thiệu mô hình kinh tế hiệu quả tại chùa bâng Tone Sa (xã Viên An, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng).

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cho nên các địa phương có đồng bào Khmer sinh sống, các chùa ở Sóc Trăng đều sẵn sàng vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Hội cùng ban quản trị các chùa tích cực vận động phật tử đón Tết với quy mô nhỏ, không tập trung đông người nơi công cộng, nêu cao tinh thần chống dịch hiệu quả. Bà con đồng lòng hưởng ứng và chấp hành tốt".

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha, đồng bào Khmer sinh hoạt lễ nghi truyền thống ở chùa, vì vậy ngôi chùa còn là trung tâm của các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng mang tính cộng đồng cao. Hiện nay, các chùa đều có sự chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Hòa thượng Thạch Song, Trụ trì chùa Bâng Tone Sa, xã Viên An, huyện Trần Ðề cho biết, nhà chùa tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền đến các phật tử kiến thức phòng, chống dịch, tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế và chính quyền địa phương, hướng dẫn phật tử chủ động thực hiện thông điệp 5 K trong những ngày lễ, Tết. Ðáng chú ý là các sư đã vận động phật tử tích cực tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.

Cũng như đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, đồng bào Khmer Sóc Trăng trong những năm gần đây trải qua những thách thức của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, dịch bệnh tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế. Với quyết tâm cao, đồng bào Khmer Sóc Trăng đã dần thích nghi, cơ cấu lại mùa vụ sản xuất, sản xuất theo hướng thuận thiên, đồng thời thực hiện hiệu quả vừa chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế. Với sự quan tâm sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc mà đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer cũng được nâng cao, đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 8.600 hộ, chiếm tỷ lệ 2,6%, trong đó hộ đồng bào Khmer giảm còn 4.140 hộ. Ngoài ra, công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc không ngừng được đổi mới, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm; truyền thống đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và phát huy…

Ðồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự cơ sở. Việc tổ chức thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhằm thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng". Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HÐND các cấp, đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, MTTQ các cấp...