Thu hẹp dần khoảng cách với vùng phát triển

Nhằm nâng cao năng suất, thu nhập để giảm nghèo và thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển, Ủy ban dân tộc (UBDT) đã phối hợp các ban, bộ, ngành và địa phương xây dựng Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.

Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Ảnh: QUỐC VIỆT
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định. Ảnh: QUỐC VIỆT

Theo UBDT, hiện cả nước có 53 DTTS, với hơn 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 382 xã biên giới nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền trung. Ðây là những địa bàn có điều kiện khó khăn nhưng lại có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và MN là "lõi nghèo của cả nước", chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và có tỷ lệ người nghèo cao nhất, đồng thời cũng là khu vực thường xuyên gánh chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hiện, chín tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm hơn 90% số hộ nghèo; bốn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo từ 70 đến 90% số hộ nghèo. Kinh tế - xã hội chậm phát triển, nhưng chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS và MN chậm đổi mới, khi có quá nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi. Ðồng bào các DTTS sinh sống ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cho nên khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách trung ương chưa bố trí đủ được nguồn vốn riêng để thực hiện chính sách. Nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải, do đó tuy đề ra nhiều chính sách nhưng thiếu nguồn lực thực hiện, không đạt mục tiêu đề ra.

Việc xây dựng Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN nhằm xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này là yêu cầu cần thiết và khách quan. Khung nội dung Ðề án có chín dự án thành phần. Trong đó, nhiều dự án thành phần lại có từ ba đến bảy tiểu dự án, nêu rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung thực hiện. Ðề án xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất hai lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3 đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; giảm 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Phấn đấu tất cả các xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; bảo đảm có từ 10 đến 12% số học sinh DTTS trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú. Hơn 90% số trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Ngay trong giai đoạn Dự thảo, Ðề án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hầu hết các bộ, ngành, địa phương và đồng bào các DTTS.

Ðề án tổng thể và Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN sẽ được trình Quốc hội xem xét và quyết định tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV này. "Ðề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN phát triển bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn bản một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…", Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Ðỗ Văn Chiến khẳng định.