Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học, từng trường học và thực tiễn ở địa phương. Từ đó giúp các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc học tập, lĩnh hội kiến thức của cấp học tiếp theo, từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Giờ học tiếng Việt tăng cường của các bé lớp mẫu giáo lớn, Trường mầm non xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Giờ học tiếng Việt tăng cường của các bé lớp mẫu giáo lớn, Trường mầm non xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Chúng tôi đến thăm điểm trường Ho Le thuộc Trường mầm non Húc, xã Húc, huyện miền núi Hướng Hóa. Tại lớp ghép độ tuổi từ ba đến năm tuổi gồm 20 trẻ DTTS của hai cô giáo Phan Thị Thanh và Trần Thị Tha, tiết dạy học tăng cường tiếng Việt (TCTV) bằng hình thức làm quen với văn học qua thơ diễn ra rất sôi nổi. Cô Phan Thị Thanh cho biết, ngôn ngữ mẹ đẻ của các em học sinh là tiếng Bru - Vân Kiều. Ðể giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ và thuộc lòng tác phẩm tiếng Việt, các cô chọn bài thơ "Yêu mẹ" với nội dung ngắn gọn. Giáo viên linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu phù hợp các độ tuổi của trẻ, từ đọc thuộc bài thơ cho đến ghi nhớ, hiểu và biết vận dụng từ ngữ trong bài thơ để giao tiếp. Ngoài ra, để giúp tiết học thêm sinh động, hấp dẫn, các cô sử dụng thêm hình ảnh trực quan và các trò chơi giúp các cháu dễ thuộc và ghi nhớ lâu. Nhằm truyền đạt tiếng Việt dễ dàng đến với các em, bản thân giáo viên cũng phải hiểu được tiếng Bru - Vân Kiều để có thể khuyến khích, động viên trẻ mạnh dạn nói tiếng Việt.

Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Húc Nguyễn Thị Hoa Kiều chia sẻ, trường có một điểm chính và bảy điểm lẻ, với 23 giáo viên và 350 học sinh DTTS. Ðược sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Quảng Trị, hướng dẫn của Phòng GD và ÐT huyện Hướng Hóa, trường đã có nhiều giải pháp để thực hiện TCTV cho trẻ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong những năm học gần đây, từ đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai cho giáo viên xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt phong phú, thân thiện cho trẻ cả trong và ngoài lớp học. Các góc học tập, vui chơi đa dạng, mang đặc trưng bản sắc văn hóa địa phương, gần gũi giúp trẻ TCTV. Nhà trường luôn chủ động tổ chức các hoạt động TCTV trong các chủ đề của hoạt động giáo dục, các tiết chuyên đề giảng dạy TCTV trong giáo viên. Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động giàu tính giáo dục như giao lưu giữa các điểm trường, cho trẻ tham quan di tích lịch sử địa phương… Tại các đợt khảo sát chất lượng cuối học kỳ và cuối năm học, phần lớn trẻ đều yêu thích đến trường, mạnh dạn, tự tin sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, nhiều trẻ có thể kể chuyện, đọc thơ diễn cảm, thuộc lời bài hát, diễn đạt được mong muốn của mình.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh có 99,3% số học sinh DTTS. Theo thầy Nguyễn Văn Thông, Hiệu trưởng nhà trường, hầu hết các em chỉ sử dụng tiếng Việt lúc đến lớp, còn lại chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ cho nên vốn tiếng Việt của các em còn khá hạn chế. Với phương châm "Không để ngôn ngữ trở thành rào cản đối với học sinh", việc tăng cường rèn kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh bằng các hình thức và nội dung phong phú luôn được quan tâm. Nhà trường đã đưa nội dung TCTV vào quá trình dạy học chính khóa, ngoại khóa, tích hợp trong mọi hoạt động. Giáo viên chủ động đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn, chú trọng việc sinh hoạt theo tổ; điều chỉnh ngữ liệu và nội dung bài học phù hợp với đối tượng; tăng cường sử dụng phương pháp đọc hiểu trong dạy tập đọc đối với học sinh DTTS.

Ngoài ra, nhà trường luôn tổ chức các hoạt động như: "Ngày hội giao lưu tiếng Việt" nhằm tạo môi trường giáo dục tích cực, thân thiện; "Ngày hội đọc sách" giúp tăng cường kỹ năng đọc hiểu cho học sinh. Tổ chức tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả dạy, học tiếng Việt. Không chỉ TCTV tại lớp học, các giáo viên chủ nhiệm còn hướng dẫn học sinh khi về nhà cần sử dụng sách báo, nghe đài, xem ti-vi và trao đổi nội dung nghe đọc với người thân, bạn bè, thầy cô... Nhờ đó, khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh được cải thiện rõ rệt, nhiều năm học sinh của trường tham gia Ngày hội giao lưu tiếng Việt của tỉnh tổ chức đều đạt giải cao. Mới đây, nhà trường được UBND tỉnh tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện đề án TCTV cho học sinh vùng DTTS.

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Quảng Trị Mai Huy Phương cho biết, qua 5 năm (2015 - 2020) triển khai thực hiện đề án, chất lượng dạy học tiếng Việt được nâng lên đáng kể, nhờ đó chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quy mô mạng lưới trường lớp có trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS tiếp tục được quy hoạch, sắp xếp và bố trí hợp lý; 100% số trường mầm non vùng DTTS được tổ chức bán trú, học hai buổi/ngày được TCTV và thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo Thông tư 28/2016/TT-BGDÐT. Có 100% số trường, điểm trường tiểu học vùng DTTS được tăng thời lượng môn tiếng Việt, hơn 50% học sinh tiểu học vùng DTTS được học hai buổi/ngày; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của hai cấp học mầm non và tiểu học có cơ cấu khá hợp lý để tổ chức các hoạt động dạy học…

Từ năm học 2020 - 2021, cùng học sinh lớp 1 cả nước, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Những kết quả đạt được về TCTV sẽ tạo tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho học sinh DTTS tiếp cận thuận lợi và dễ dàng hơn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD và ÐT Quảng Trị quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa việc TCTV cho học sinh DTTS nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.