Phát huy vai trò người dân trong bảo vệ rừng bền vững

Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Khu bảo tồn) rộng gần 20 nghìn héc-ta, trải rộng trên tám xã và thị trấn thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), với địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá vôi, chia cắt bởi sông, suối, thung lũng. Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn và các cấp chính quyền đã thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân, qua đó nâng cao vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong công tác bảo vệ rừng.

Ban quản lý Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng thả động vật hoang dã về rừng.
Ban quản lý Khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng thả động vật hoang dã về rừng.

Khu bảo tồn đang lưu giữ nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu, ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hiện nay, có hơn 25 nghìn người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, H’Mông, Dao sinh sống tại các xóm, bản nằm trong vùng đệm, vùng lõi của Khu bảo tồn. Khi thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng, một số gia đình, cộng đồng không muốn nhận, vì sợ rằng khi đã nhận khoán thì không thể vào rừng khai thác củi, lâm sản phụ. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của Ban quản lý Khu bảo tồn, cấp ủy và chính quyền các địa phương, đồng bào các DTTS đã nhận thức rõ vai trò, lợi ích của rừng đối với môi trường sống, từ đó đồng tình với tinh thần trách nhiệm cao. Đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn đã giao khoán quản lý, bảo vệ hơn 14 nghìn ha rừng cho 49 cộng đồng xóm, bản và 51 gia đình với mức khoán 300 nghìn đồng và 400 nghìn đồng/ha/năm.

Xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường có 113 hộ gia đình, trong đó có 94 hộ người dân tộc Tày nhận khoán quản lý, bảo vệ 217 ha rừng từ tháng 11-2018. Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng này, xóm Trường Sơn thành lập tổ bảo vệ với 15 thành viên, do Trưởng xóm Nguyễn Xuân Chính làm tổ trưởng. Tổ chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ ba đến bốn người. Hai đến ba ngày, các nhóm thay nhau đi tuần rừng một lần. Xóm có hương ước, nếu gia đình nào phát nương làm rẫy trong rừng, vào rừng khai thác gỗ, bị Ban quản lý Khu bảo tồn cắt hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng thì phải bỏ tiền đền bù tương đương với số tiền nhận khoán là hơn 80 triệu đồng/năm cho xóm. Trưởng xóm Nguyễn Xuân Chính cho biết: “Người dân nhận thức rõ, nhờ quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả cho nên nguồn nước tự nhiên phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt dồi dào hơn, môi trường sống tốt hơn. Do đó, từ năm 2018 đến nay, không có trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp. Những cánh rừng nhận khoán được tái sinh, phục hồi xanh tốt”.

Xã Cúc Đường có năm xóm gồm: Tân Sơn, Bình Sơn, Lam Sơn, Trường Sơn và Mỏ Chì; đều nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích 1.150 ha. Phó Trưởng ban Lâm nghiệp xã Nông Thanh Bình chia sẻ: “Việc giao khoán giúp người dân nhận thức được rằng, bảo vệ rừng không chỉ nâng cao độ che phủ, bảo tồn nguồn gien quý hiếm, giảm tình trạng chặt phá rừng bừa bãi mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhận khoán, người dân có tinh thần trách nhiệm, tự giác bảo vệ rừng, tích cực phối hợp, báo tin kịp thời cho lực lượng kiểm lâm khi rừng bị xâm phạm. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, không có vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp”.

Rừng được giao khoán đến hộ gia đình cũng được quản lý, bảo vệ hiệu quả. Với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/năm, là nguồn thu đáng kể để cải thiện đời sống. Một hộ nhận khoán 20 ha rừng, mỗi năm có nguồn thu tám triệu đồng cho nên yên tâm bảo vệ, gắn bó với rừng. Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Ban quản lý có hơn 30 cán bộ, kiểm lâm, nếu không phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của đồng bào DTTS ở tất cả các xóm, bản thì sẽ rất khó quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ có sự đóng góp của người dân, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong Khu bảo tồn giảm hẳn, năm 2015 chỉ có 61 vụ, đến năm 2019 giảm còn 19 vụ, trong đó chủ yếu là vi phạm nhỏ lẻ”.

Với việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, mỗi năm cộng đồng dân cư và hơn 50 hộ nhận khoán (mỗi hộ nhận không quá 30 ha rừng) của huyện Võ Nhai được nhận thù lao hơn năm tỷ đồng. Tất cả các xóm, bản đều dùng số tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để xây dựng các thiết chế, kết cấu hạ tầng nông thôn mới ở địa phương. Trưởng xóm Trường Sơn Nguyễn Xuân Chính cho biết: “Năm 2019 và 2020, xóm Trường Sơn nhận được hơn 160 triệu đồng từ thù lao bảo vệ rừng, sau khi bàn bạc, người dân thống nhất dùng vào việc xây dựng nhà văn hóa. Nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang với tổng kinh phí 420 triệu đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng. Nhờ có tiền thù lao quản lý, bảo vệ rừng cho nên đã giảm mức đóng góp của các hộ gia đình. Xóm dự kiến dùng tiền thù lao bảo vệ rừng năm 2020 để xây hàng rào, cổng nhà văn hóa”. Bên cạnh số tiền nhận khoán rừng, 12 thôn trong khu vực vùng lõi, vùng đệm Khu bảo tồn còn được Nhà nước đầu tư 40 triệu đồng/thôn/năm để xây dựng cơ sở vật chất của thôn. Phó Trưởng ban Lâm nghiệp xã Cúc Đường Nông Thanh Bình cho biết: “Từ khi nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, hằng năm, năm xóm trong xã có khoản thu hơn 400 triệu đồng, đều dùng số tiền này để xây dựng nhà văn hóa, bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác. Đây là nguồn lực quan trọng, giảm đóng góp cho người dân trong xây dựng nông thôn mới”.

Hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn đang triển khai mô hình trồng cây ba kích, cát sâm dưới tán rừng với diện tích 2,5 ha với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 400 triệu đồng. Thực hiện mô hình, người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón. Mô hình thành công sẽ được nhân rộng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Khu bảo tồn. Việc giao khoán giúp người dân nhận thức được rằng, bảo vệ rừng không chỉ nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn nguồn gien quý hiếm, giảm tình trạng chặt phá rừng bừa bãi mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Khi quyền lợi và trách nhiệm của người dân gắn với rừng thì chắc chắn rừng sẽ được bảo vệ ngày càng tốt hơn.