Phát huy vai trò của một đại học vùng

Với vai trò là đại học vùng, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, những năm gần đây Trường đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tích cực nghiên cứu, tư vấn chính sách về dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi cho Đảng, Nhà nước; thực hiện chuyển giao công nghệ chất lượng cao. Qua đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi phía bắc.

Đại học Thái Nguyên bảo tồn, xây dựng bảo tàng một số loài lan rừng quý hiếm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đại học Thái Nguyên bảo tồn, xây dựng bảo tàng một số loài lan rừng quý hiếm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Giai đoạn 2015 - 2020, ĐHTN phối hợp với Ủy ban Dân tộc nghiên cứu “Những vấn đề cơ bản, cấp bách về DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, với năm đề tài: Đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào DTTS; Những giải pháp cấp bách về bảo tồn và phát huy giá trị văn học các DTTS Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển; Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp vùng DTTS và miền núi Việt Nam; chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người ở nước ta hiện nay và Nghiên cứu chính sách thu hút lao động DTTS vào làm việc trong các doanh nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững. Đồng thời, ĐHTN phối hợp các ban, bộ, ngành thực hiện 38 trong tổng số 62 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS và miền núi. Các đề tài, nhiệm vụ điển hình trong số đó là: giải quyết việc làm cho người DTTS đã tốt nghiệp đại học trở lên chưa có việc làm tại vùng Tây Bắc; nghiên cứu di cư và hòa nhập xã hội của nhóm thanh niên DTTS tại các khu công nghiệp; nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp vùng DTTS và miền núi; nghiên cứu tác động của kinh tế vùng biên giới đến cộng đồng các DTTS khu vực miền núi phía bắc... 

Đổi mới mô hình hoạt động, gắn nghiên cứu với thực tiễn, những năm gần đây ĐHTN đã hợp tác với 15 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, những nét văn hóa đặc sắc để phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Trong giai đoạn 2015 - 2020, ĐHTN và tỉnh Thái Nguyên đã ký kết chương trình hợp tác với nhiều dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là dự án nghiên cứu, ứng dụng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, mở ra triển vọng nhân rộng mô hình khai thác tiềm năng mặt nước, mang lại thu nhập cao cho nông dân; dự án thu thập, lưu giữ, định danh một số loài lan rừng có nguy cơ tuyệt chủng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gien và xây dựng bảo tàng về các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển một số cây ăn quả đặc sản, đặc hữu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, như: quýt Quang Thuận, hồng không hạt Bắc Kạn được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mang lại thu nhập cao cho đồng bào DTTS ở địa phương. 

GS, TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐHTN cho biết: “Trung bình mỗi năm, trường thực hiện từ 20 đến 30 đề tài bảo tồn, phát triển văn hóa, ngôn ngữ; chăm sóc sức khỏe cộng đồng các DTTS; dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về trồng trọt các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây ngắn ngày, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh miền núi phía bắc”. Với kinh nghiệm và kết quả hợp tác với các bộ, ban, ngành và địa phương đã đạt được, ĐHTN sẽ có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn khi Đảng và Nhà nước triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bằng những việc làm cụ thể.