Ðổi thay ở các khu tái định cư tỉnh Bình Phước

Thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ và địa phương, tỉnh Bình Phước đã xây dựng nhiều khu tái định cư để ổn định cuộc sống cho người dân, trong đó phần đông là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ thực hiện định canh, định cư tại chỗ, cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi đã giúp nhiều hộ DTTS thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Khu tái định cư Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã trở thành khu dân cư đông đúc.
Khu tái định cư Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đã trở thành khu dân cư đông đúc.

Ở Bình Phước, đồng bào DTTS sản xuất mang tính quảng canh và chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa biết tiết kiệm đầu tư tái sản xuất cho nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, số hộ đồng bào DTTS nghèo và các hộ nghèo phần lớn sống tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn yếu kém; giao thông, thông tin liên lạc còn thiếu đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần. Ðược sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS, tỉnh Bình Phước đã quy hoạch vùng tái định cư cho các hộ đồng bào ổn định nhà ở và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho gần 1.500 hộ; hỗ trợ nước cho gần hai nghìn hộ; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho 681 hộ tại chín dự án tái định cư; cho vay vốn phát triển sản xuất hơn hai nghìn hộ.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Ma Ly Phước cho biết: Ðến nay, tình hình sản xuất, đời sống kinh tế, an ninh - trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS ngày càng ổn định và phát triển, một số hộ đã định canh, định cư, có cuộc sống ổn định và đang trên đà phát triển; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình có hiệu quả; các vấn đề bức xúc của đồng bào từng bước được giải quyết. Ðặc biệt, tại các khu tái định cư cho đồng bào nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất, Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội vùng, điện, trường học và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Tiểu khu 42 ở vùng biên giới của xã Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập là nơi định canh, định cư cho 167 hộ dân là đồng bào DTTS nghèo, trong đó 101 hộ thuộc Dự án 33 và 66 hộ thuộc Chương trình 167. Dự án được thực hiện đầu năm 2011 và đã cấp đất sản xuất cho 125 hộ với tổng diện tích diện tích 108,915 ha, bình quân mỗi hộ gần một ha. Ngoài cấp đất sản xuất, dự án còn triển khai quy hoạch 265 lô đất tái định cư với tổng diện tích 15,767 ha, trung bình mỗi hộ được cấp gần 600m2 để xây dựng nhà ở. Năm 2017, dự án đã cấp 168 lô đất ở cho 168 hộ DTTS ở các xã Phú Văn, Ða Kia, Ðức Hạnh, Phú Nghĩa, Ðắk Ơ, số còn lại đang được UBND xã Ðắk Ơ quản lý. 101 hộ DTTS đang sinh sống tại đây được hỗ trợ xây dựng 101 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí xây dựng hơn sáu tỷ đồng từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Hơn ba km đường giao thông trong khu tái định cư đã được láng nhựa; điện, nước sinh hoạt cũng được đầu tư xây dựng và hoàn thành từ năm 2017; nhà văn hóa, phòng học mẫu giáo và cấp tiểu học được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhằm phục vụ tốt nhất cho đồng bào khu dự án. Ðể tạo điều kiện bước đầu cho người dân ổn định cuộc sống, ngoài hỗ trợ nhà ở, dự án còn hỗ trợ lương thực, công cụ lao động trong sáu tháng đầu đến nơi ở mới. Dự án còn hỗ trợ mỗi hộ một con bò giống để tạo đà phát triển chăn nuôi.

33 hộ nghèo ở tổ Hàng Không, thôn Bình Hà 2, xã Ða Kia, huyện Bù Gia Mập trước đây luôn sống trong cảnh "ba không" (không điện, không trường, không trạm) và chỉ có duy nhất một con đường vào, ra. Hầu hết hộ dân đều không có đất sản xuất, sống dựa vào làm thuê nên gặp nhiều khó khăn. Ðể hỗ trợ người dân có đất sản xuất và chỗ ở ổn định, UBND huyện Bù Gia Mập đưa 33 hộ về khu tái định canh, định cư tại Tiểu khu 42, thôn 10, xã Ðắk Ơ theo Dự án 33. Chị Thị Phát cho biết: "Trước đây, gia đình không có đất sản xuất, nay được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã chuyển đến sinh sống, trồng điều, cây ăn trái. Ngoài ra, gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà tái định cư, cấp bò giống. Ðến vùng đất mới, đường sá đi lại thuận tiện hơn, trường học cũng gần hơn cho nên con chúng tôi có điều kiện được đến trường".

Chúng tôi về khu định canh, định cư xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Hiện ra trước mắt là những ngôi nhà mới khang trang được sắp xếp tập trung theo đúng quy hoạch trên diện tích đất bằng phẳng; vườn mỳ (sắn) trồng xen cao-su và điều xanh tốt. Nằm ở trung tâm khu tái định canh, định cư là nhà văn hóa cộng đồng, phòng học mẫu giáo, tiểu học, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, y tế; đường điện, đường giao thông nông thôn cũng được đầu tư khá hoàn chỉnh. Gia đình anh Ðiểu Ðông ở ấp Lộc Bình 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh là hộ nghèo. Năm 2014, gia đình anh chuyển vào ở hẳn trong khu định canh, định cư. Gia đình anh Ðông có sáu người, trước đây đất sản xuất không có, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Nay được Nhà nước cấp một ha đất và hỗ trợ xây nhà, gia đình anh rất phấn khởi. Anh Ðông chia sẻ, đến vùng đất mới, anh đã học hỏi kinh nghiệm canh tác từ cán bộ xã, huyện, người dân quanh vùng rồi quyết định trồng mỳ xen trong vườn cao-su và điều nhằm "lấy ngắn nuôi dài". Tranh thủ làm xong việc ở nhà, vợ chồng anh đi cạo mủ cao-su thuê, vừa tích lũy được kinh nghiệm lại tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Niềm vui, phấn khởi khi sinh sống trên mảnh đất mới của gia đình anh Ðiểu Ðông cũng là cảm xúc chung của những hộ đồng bào DTTS khi được Nhà nước bố trí định canh, định cư tập trung. Qua đó, làm thay đổi cơ bản nhận thức của đồng bào DTTS về tập quán sinh hoạt, sản xuất, từ du canh, du cư đến định canh, định cư, tạo điều kiện để phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.