Gương điển hình

Nữ cán bộ dân tộc Phù Lá được dân tin yêu

Nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và nhân ái, hòa đồng với mọi người, đó là nhận xét của bà con thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai) dành cho chị Sùng Phà Sủi, người dân tộc Phù Lá. Với vai trò là Bí thư chi bộ thôn Tống Thượng, chị Sủi luôn đi đầu, tìm tòi những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Chị Sùng Phà Sủi (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân trong thôn Tống Thượng chế biến quế.
Chị Sùng Phà Sủi (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân trong thôn Tống Thượng chế biến quế.

Tống Thượng là thôn vùng cao xa xôi nhất của xã Nậm Đét với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.Trước đây, đường giao thông đi lại còn khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Là người duy nhất trong thôn có trình độ văn hóa phổ thông cao hơn cho nên chị Sùng Phà Sủi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Với vai trò của mình, trước hết chị Sủi “đột phá” vào khâu sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay thế giống cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Ngày ấy ở thôn, số hộ đủ ăn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là “đứt bữa” mùa giáp hạt, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi bà con nơi đây đã quen với việc phát rừng trồng ngô, lúa nương, năng suất thấp lại bấp bênh. Chị Sủi huy động các thành viên trong gia đình đi tìm nguồn nước, khai vỡ đất hoang để làm ruộng bậc thang cấy lúa nước, cho năng suất cao và ổn định. Từ kết quả đó, chị vừa tuyên truyền vận động, vừa hướng dẫn người dân trong thôn bỏ phát rừng chuyển sang làm ruộng bậc thang, cấy lúa nước, cho năng suất cao hơn, giúp đời sống khá lên.

Khi đã có lương thực đủ dùng, không còn lo thiếu gạo, Trưởng thôn Sùng Phà Sủi chuyển hướng sang trồng quế để tạo nguồn thu lâu bền, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật ươm giống, chăm sóc và thu hoạch, chế biến quế để phổ biến cho bà con người Dao, H’Mông, Phù Lá ở thôn Tống Thượng chuyển đổi cây trồng trên đất rừng sản xuất của mỗi gia đình. Bằng cách lập tổ đổi công, nhóm liên gia hộ khá giúp hộ nghèo, kiên trì trồng dần, đến nay phần lớn hộ dân trong thôn đã phát triển cây quế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, thôn Tống Thượng có 74 hộ, trong đó có 11 hộ giàu, 23 hộ khá, nhiều hộ thu nhập bình quân vài chục triệu đồng một năm.

Ngoài nhiệm vụ Bí thư chi bộ thôn Tống Thượng, chị Sủi còn đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ tuyên vận thôn. Nhiều người trong thôn vẫn đùa rằng, việc gì mà không có “tuyên vận” Sủi là không xong. Đơn cử như giải quyết tình trạng mất vệ sinh môi trường trong thôn, bởi theo tập quán sinh hoạt, người dân ở đây thường làm chuồng nuôi nhốt gia súc ngay cạnh nhà, vì thế, việc giữ gìn vệ sinh môi trường lại càng khó thực hiện. Chị Sủi cho biết, thời gian đầu đi tuyên truyền, một số hộ không đồng ý di dời chuồng trại ra xa nhà, vì sợ gia súc bị mất trộm, nhưng chị vẫn kiên trì, đến từng nhà giải thích, nhờ vậy các gia đình này đã tự giác di dời chuồng trại, không để gần nhà ở gây mất vệ sinh. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, chị Sủi đã ứng trước 33 triệu đồng tiền riêng để mua nguyên vật liệu xây dựng, rồi thuê xe ô-tô chở đến từng hộ, cũng chỉ vì muốn người dân trong thôn sớm có nhà vệ sinh khép kín phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhờ những đóng góp đó, đến nay, 80% số hộ trong thôn có nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với những việc làm tâm huyết, hết lòng vì cộng đồng của mình, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Sùng Phà Sủi đã nhiều lần được các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai khen thưởng. Nhưng với chị, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu của bà con.